Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện thuốc lá thuộc nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, có mã bệnh F17 theo phân loại bệnh tật ICD-2011. Đây cũng là một lý giải tại sao việc từ bỏ sử dụng thuốc lá trở nên khó khăn đối với nhiều người, mặc dù nhu cầu và mức độ sử dụng có khác nhau.
Việc sử dụng thuốc lá không đúng nơi quy định gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, là sự vi phạm quyền bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc. Không những thế, hút thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” về bệnh tật dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.
Ở Việt Nam có 15.6 triệu người hút thuốc, đứng thứ 3 trong khu vực Asean và đứng thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Bên cạnh đó, có 28,5 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy.
Thời gian qua, số lượng người hút thuốc ở Việt Nam gia tăng là vì: Thuốc lá là một mặt hàng gây nghiện nên người đã hút sẽ rất khó để bỏ thuốc, việc cai nghiện cũng cần thời gian, trong khi đó sẽ luôn có những người hút mới.
Cần sự chung tay để môi trường làm việc không khói thuốc lá
Môi trường làm việc không khói thuốc lá góp phần tạo nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giữ gìn tốt sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường. Người làm việc trong môi trường không khói thuốc lá có ít triệu chứng về hô hấp hơn và giảm lượng carbon monoxide trong cơ thể.
Môi trường làm việc không khói thuốc cũng là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Đồng thời, giúp người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy chung tay xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, cần có sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo việc giám sát thường xuyên của lãnh đạo các cấp và chấp hành nghiêm túc của cán bộ, công nhân viên đơn vị. Để việc xây dựng môi trường không thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống, đến được với mọi người, mọi nhà, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, cần thiết phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn về tác hại của thuốc lá và Luật chống tác hại thuốc lá cần phải được thực hiện thường xuyên liên tục; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá./.