Ăn gì để có nhiều sữa cho con bú?
Để tạo dòng sữa nhiều và chất lượng, phụ nữ sau sinh cần phải ăn uống một cách hợp lý và đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ chất cho sự phục hồi cơ thể mẹ và sự phát triển của con. Hãy cùng điểm qua những loại thực phẩm lợi sữa cần có trong chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh.
Sữa nóng
Sau khi sinh xong, một cốc sữa nóng là điều thực sự cần thiết giúp các bà mẹ nhanh chóng hồi lại sức. Đặc biệt uống sữa nóng thời điểm này giúp người mẹ về sữa nhanh mà lại đặc. Trong thời kỳ cho con bú, sản phụ cũng nên uống sữa nóng đều đặn, điều đó rất có lợi cho sức khỏe và bình phục nhanh.
Thịt bò nạc
Thịt bò nạc là lựa chọn hàng đầu bởi không chỉ cung cấp đầy đủ năng lượng mà còn giàu chất sắt. Một khi chất sắt trong cơ thể không được cung cấp đầy đủ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, khi nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần ăn thực phẩm giàu chất đạm và vitamin B12. Thịt bò là nguồn cung cấp hai chất dinh dưỡng này tuyệt vời nhất.
Đu đủ xanh
Trong đu đủ xanh có nguồn vitamin phong phú như A, B, C, D, E… cùng với hàm lượng protein và chất béo có thể cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Thực phẩm thường được dùng để kết hợp với đu đủ xanh chính là móng giò, đây chính là món ăn có khả năng thông sữa hiệu quả cho cơ thể mẹ. Món ăn này thường được dùng nhiều cho những sản phụ ít sữa. Để giảm thiểu cảm giác chán ăn, bạn cũng có thể thay thế móng giò thành cá chép hay cá quả để nấu với đu đủ xanh, cũng có khả năng tăng sữa hoặc cải thiện tình trạng sữa loãng.
Rau ngót
Rau ngót là gợi ý hoàn hảo, là lựa chọn tốt nhất với những người phụ nữ sau sinh. Bên trong rau ngót có những dưỡng chất thiết yếu cho việc tăng cường khả năng sản xuất sữa, kích thích ra sữa ở mẹ.
Hơn nữa, với sản phụ sau sinh rau ngót đặc biệt tốt nhờ có khả năng phòng ngừa bệnh loãng xương, đẩy những chất thải ra ngoài cơ thể như máu bẩn sau sinh hay nhau thai.
Trong rau ngót có chứa đa dạng nguồn dinh dưỡng như protein, canxi… là những chất cần thiết cho sự hồi phục của cơ thể mẹ. Ngoài ra, ăn nhiều rau ngót còn có thể giúp sản phụ tránh gặp bệnh cảm cúm thông thường nữa đấy.
Rau thì là
Đây là loại thảo dược nổi tiếng với hiệu quả tăng nguồn sữa. Trong thì là có chứa các hợp chất như anethole, dianethole và photoanethole. Theo một nghiên cứu, các hợp chất này có thể kích thích sự sản xuất estrogen và prolactin – cần thiết để sản xuất sữa mẹ. Cây thì là có thể ăn sống hoặc nấu chín, ví dụ, luộc, hấp, xào trong bơ và sau đó nấu trong một chút nước.
Quả sung
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cứ trong 100g quả sung có chứa 1g protein, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g. Quả và lá non rất tốt cho sản phụ, có thể ăn sung muối, luộc hoặc nấu canh, nấu cháo… Vì thế, quả sung cũng là một loại thực phẩm rất tốt cho sản phụ.
Cà chua
Cà chua chứa nhiều vitamin C, E, K, B1, B6, B2, B3, chất sắt, mangan, kali và các chất khác có lợi cho sức khỏe. Do đó các chuyên gia khuyên rằng chị em đang trong thời gian cho con bú nên cố gắng ăn nhiều cà chua hơn nữa.
Cung cấp đủ nước
Trong thời gian cho con bú, để đảm bảo nguồn năng lượng trong cơ thể và lượng sữa tiết ra đều đặn, chị em cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Chú ý đừng đợi đến khi cơ thể khát khô mới bắt đầu uống bởi khi đó mẹ bầu đã bị mất nước.
Các mẹ có thể kiểm tra xem cơ thể mình đã “nạp” đầy đủ nước chưa bằng cách kiểm tra màu nước tiểu. Nước tiểu có màu vàng đậm đồng nghĩa với việc cơ thể chị em đang thiếu nước trầm trọng.
Nếu không thích uống nước lọc, các mẹ có thể dùng thêm nước trái cây, sinh tố… Lưu ý hạn chế sử dụng nhiều các đồ uống có chứa caffeine như cà phê hoặc trà (nên dưới 300 mg/1 ngày). Caffeine lẫn trong sữa mẹ có thể làm em bé trở nên dễ cáu kỉnh, kích động và khó ngủ.
Bên cạnh chế độ ăn uống dinh dưỡng, các bà mẹ cũng cần lưu ý có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi khí huyết, tránh cáu giận, căng thẳng thần kinh làm ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa. Uống nhiều nước lọc và các loại nước hoa quả. Chú ý cho con bú đều đặn, đúng cách mới có thể kích thích sữa vì thuốc lợi sữa tốt nhất chính là cho con bú nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tư vấn của bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông – Viện Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM để có câu trả lời rõ hơn về vấn đề này.
Hỏi: Tôi vừa sinh con và khá ít sữa. Người thân bắt ăn giò heo hầm đu đủ hằng ngày nhưng tôi rất ngán và sợ bị tăng cân quá mức, bởi lúc mang thai huyết áp, đường huyết tôi có hơi cao…bác sĩ dặn phải ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, tránh để tăng cân thêm nhiều quá. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi là nên ăn uống thế nào để vừa đủ sữa cho con vừa giữ sức khỏe?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM:
Để đủ sữa cho con, bạn cần ăn với khẩu phần tăng lên so với thường lệ, ăn đa dạng, nhiều món, đầy đủ các nhóm chất, không nên chỉ ăn mãi một vài món vì chất nào cũng cần cho sự phát triển của bé.
Đầu tiên là phải tăng protein: thêm 19 g/ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 78 g/ngày ở bà mẹ cho con bú. Protein động vật nên đạt từ 35% tổng lượng protein. Ưu tiên các thực phẩm có protein chất lượng: thịt, cá trứng, sữa, các loại đậu. Trung bình 100 g thịt cá cung cấp 20 g protein, 100 g đậu phụ cung cấp 10 g protein. Bạn cũng nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.
Tăng lượng chất béo thêm 10 g ngày bởi chất béo quan trọng trong sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Lượng rau củ, trái cây phải đạt ít nhất 400 g mỗi ngày, trong đó phải bảo đảm đủ chất xơ để tránh táo bón và chọn rau củ giàu vitamin.
Tính trung bình một bà mẹ có cân nặng trước sinh vừa phải, tăng cân khi mang thai đúng mức (9-12 kg), trong giai đoạn cho con bú cần ăn thêm khoảng 500 Kcal/ngày, tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý.
Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng sau khi sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa. Trong trường hợp cần thiết, người mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D, canxi, acid folic.
Bạn cũng không nên quá lo lắng việc không đủ sữa cho con. Nhiều bà mẹ cũng lo giống bạn nhưng nếu em bé vẫn phát triển bình thường, các chỉ số khi khám sức khỏe được bảo đảm thì không có gì phải bận tâm cả. Nên cho con bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng, sau đó vừa ăn dặm vừa tiếp tục bú.
Dù ăn thêm nhưng bạn không nên lo lắng việc tăng cân. Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Muốn giảm cân, bạn chỉ cần ăn uống hợp lý như trên, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, giảm bớt lượng đường tiêu thụ và không sử dụng đồ uống có cồn.