Bé ngày càng trở nên năng động hơn vì đã học được cách sử dụng cơ thể và kiểm soát quá trình di chuyển. Đồng nghĩa với việc bé ít bị té bởi vì các kỹ năng đã được phối hợp khá nhuần nhuyễn.
Bạn sẽ thấy khó khăn khi phải cân bằng giữa việc bảo vệ bé và cho bé tự do khám phá. Hãy bảo đảm môi trường bé chơi được an toàn và thân thiện. Bạn phải đặt những món đồ quý giá lên cao và cố định chắc những vật nặng. Nhà cửa có thể thay đổi vì sự an toàn của bé và sự yên tâm của bạn mới là quan trọng nhất.
Ăn và ngủ
Bé 10 tháng chỉ còn ngủ 2 giấc vào ban ngày. Bé sẽ ngủ một giấc ngắn vào khoảng 9 –
10 giờ sáng. Dấu hiệu mệt mỏi ở lứa tuổi này khá giống nhau như là ngáp, dụi mắt, đòi ôm mẹ hoặc đôi khi ngủ gục khi đang chơi. Nhưng bé 10 tháng tuổi cũng biết nói lớn tiếng và tỏ thái độ khi chúng muốn thức lâu hơn. Bạn hãy cứ bình tĩnh và nên dùng cùng một cách giống nhau để dụ bé ngủ dù là sáng hay tối.
Hoạt động của bé
Sữa vẫn là yếu tố quan trọng cho bé 10 tháng tuổi. Nhưng thức ăn đặc cũng không kém phần quan trọng. Bạn không nên cho bé ăn thức ăn giống nhau mỗi ngày vì như thế sẽ hạn chế nguồn dinh dưỡng. Hãy trổ tài nấu cho bé thật phong phú và sáng tạo. Thức ăn nấu ở nhà bao giờ cũng ngon và bổ dưỡng hơn thức ăn làm sẵn. Từ 1 tuổi trở đi, đa số bé sẽ giới hạn số loại thực phẩm chúng thích ăn. Nên nếu bây giờ bé sẵn sàng ăn nhiều thứ thì bạn đừng giới hạn khẩu phần của bé.
Bạn hãy xem phản ứng của bé khi giao tiếp mới mọi người xung quanh. Bé sẽ nhìn đôi mắt họ trước rồi đôi môi và lỗ tai, sau đó phân tích cả khuôn mặt họ. Vì nạp thông tin khá nhiều nên bé sẽ cần ngủ thêm vào ban ngày. Não bé đang ở trạng thái dễ tiếp nhận thông tin nhất và những kinh nghiệm bé có đều sẽ để lại dấu ấn. Bạn không thể thay đổi con người hay tính cách của bé được nhưng bạn có thể giúp bé thấy an toàn trong thế giới của mình. Bạn vẫn giữ vị trí số 1 trong lòng bé hiện này nên nếu thấy bé cần một cái ôm hay sự trấn an thì hãy ở bên bé. Làm cha mẹ không nên cứng nhắc, đừng nhất thiết phải bắt trẻ thay đổi nếu điều đó không xấu.
Nếu bé không thích chơi với các bé khác, bạn cũng đừng lo. Ở tuổi này, bé nghĩ bé là trọng tâm của thế giới, nên bé thường không quan tâm đến cảm xúc của bạn bè xung quanh. Bạn nên theo sát bé khi bé ở với những bé khác hoặc với vật nuôi, vì bé chưa đủ nhận thức để biết những gì nên làm và an toàn.
Những cột mốc phát triển
Bé bắt đầu bò được khắp nơi. Một số chuyên gia cho rằng bò là động tác liên kết mạnh mẽ với khả năng học hỏi khi bé lớn. Vì sự di chuyển đối lập của chân và tay liên quan đến sự kết nối giữa bán cầu não trái và phải. Người ta khuyến cáo không nên tập đi sớm cho bé vì như thế có thể hạn chế khả năng bò. Hãy cứ để bé chơi dưới sàn. Bạn chỉ cần chú ý đảm bảo an toàn và sạch sẽ cho bé, ít nhất là trong vài tháng tới.
Tháng này, bé có thể tự đứng lên hoặc tự bò lên bàn ghế. Bé cũng có thể ngồi dậy từ từ thế nằm khá dễ dàng cũng như xoay người và phối hợp tay chân rất lanh lẹ.
Bé thích nói mama, papa, dada và buba. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có cách gọi cha mẹ và em bé gần giống với những từ này. Bạn có thể dạy bé vẫy tay, chơi cút hà hoặc chơi đuổi bắt. Bé sẽ dụ bạn chơi với bé và bắt bạn chơi hoài những trò yêu thích của bé. Mặc dù bạn có thể chán trước bé, nhưng những trò chơi lặp lại của bé rất quan trọng giúp củng cố trí nhớ cho trẻ.
Cân nặng của bé thường sẽ gần gấp 3 lần so với lúc sinh và sẽ đạt mốc lúc 12 tháng. Mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển riêng và di truyền là yếu tố ảnh hưởng chính đến kích thước và sự tăng trưởng của bé. Môi trường và chế độ cũng quan trọng không kém. Nếu bạn lo rằng bé ăn không đủ chất để tăng trưởng, bạn có thể đưa bé đến bác sĩ để tư vấn thêm. Hoặc nếu bé không lên cân, bạn có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa.
Bạn có thể xem tư thế bé nằm trong nôi, trong xe đẩy hoặc cách bé nằm trong vòng tay bạn để đánh giá xem bé có lớn lên không. Một ngày đó, bạn có thể ngạc nhiên vì phát hiện ra bé lớn nhanh như thổi. Điều này thể hiện rất rõ khi bạn so sánh bé với trẻ sơ sinh để thấy bé đã trải qua biết bao thay đổi. Tốc độ phát triển trong năm đầu tiên cũng như lúc dậy thì lúc nào cũng cao nhất.
Sức khoẻ của bé
Việc giữ bé luôn sạch sẽ ở giai đoạn 10 tháng tuổi là chuyện không thể. Bạn cho bé ra ngoài chơi, bé sẽ hào hứng lăn lê bò trườn khắp nơi trong vườn, trong công viên. Bạn hãy cứ tưởng tượng bé có thể cho mọi thứ xung quanh vào miệng. Và bạn không thể nào cản được đâu. Do đó, bạn nên tập thói quen đem theo xe đẩy và một tấm thảm để giữ bé khi cần.
Nếu bạn sửa sang lại nhà cửa và bạn lo sợ sơn trong nhà có chứa chất chì, bạn nên kiểm tra cho chắc. Trẻ con đặc biệt nhạy cảm với nồng độ chì trong máu cao và có thể ảnh hưởng khả năng học tập. Bạn nên chọn lựa kĩ các dụng cụ vệ sinh nhà cửa, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, phân bón…Tất cả đều có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ bé nên bạn cần lưu ý hơn.
Bé chơi và giao tiếp
Đây là tháng bạn sẽ phải thiết kế lại nhà cửa để tạo ra những khoảng chơi an toàn cho bé. Gắn thêm cửa chặn là cách tốt nhất giữ bé an toàn. Nhất là nên chặn không cho bé vào phòng của anh chị chúng, bạn sẽ tránh được nhiều xung đột trong nhà. Bé hầu như muốn tham gia vào tất cả mọi việc nên rất khó cách ly bé hẳn với anh chị bé. Bé cũng học được rất nhiều khi chơi với anh chị của mình. Từ lúc nhỏ, các bé cũng nên tự chơi với nhau để hoà thuận hơn.
Mẹ của bé
Giai đoạn này công việc hằng ngày có nề nếp hơn. Nếu bạn cảm giác mệt mỏi và kiệt sức, bạn có thể đến gặp bác sĩ của bạn để tư vấn thêm. Nên phân biệt rõ ràng giữa có bệnh thật sự hay chỉ là kiệt sức. Đôi khi bạn rất dễ dàng bỏ qua những nhu cầu của bản thân. Bạn nên sắp xếp nhờ người giữ bé trong khi bạn đến gặp bác sĩ. Nếu bạn lo là trí nhớ bạn dạo này kém, bạn có thể ghi lại những triệu chứng bạn gặp phải.
Bạn không nên chăm sóc bé nếu chính bạn cảm thấy không khoẻ. Sau 10 tháng qua trôi qua, đây là lúc bạn cảm thấy năng lượng tràn trề trở lại chứ không phải cám giác quá tải và mệt mỏi. Các bệnh lý liên qua tuyến giáp, hệ nội tiết và thiếu dinh dưỡng đều có thể ảnh hưởng nguồn năng lượng.
Cảm xúc của bạn
Bạn có thể cảm thấy khó chịu vì bạn phải làm hết mọi việc trong nhà. Bạn hãy đừng lo lắng. Đa số phụ nữ đều chăm lo hết việc nhà và con cái ngay cả khi họ đã đi làm trở lại. Bạn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng về nỗi lo của bạn và cần sắp xếp công việc nhà lại. Bạn có thể tham khảo thêm trong sách Đối thoại sau sinh của tác giả Alison Osborn (nhà xuất bản Rockpool).
Giấc ngủ của bạn
Bạn không nên nhảy vọt ra khỏi giường mỗi khi bé khóc trong đêm. Nếu bạn đã cho bé bú no và bảo đảm nôi bé an toàn thì bạn nên chậm lại chút. Vì các bé 10 tháng tuổi có khả năng tự xoa dịu và trấn an bản thân. Hãy để bé tự làm điều đó.
Đừng lơ là nhu cầu ngủ đủ giấc của bạn. Hãy dành thời gian trải cho bạn một tấm ga giường bằng linen, dọn dẹp quần áo trong phòng gọn gàng. Hãy dành thời gian và suy nghĩ để tạo ra không khí thoải mái cho chính bạn. Không cần phải dành hết năng lượng cho bé đâu. Ngay cả khi phần còn lại của ngôi nhà rất bừa bộn, bạn vẫn nên có một nơi của riêng bạn để nghỉ ngơi cuối ngày.