Câu chuyện của Tami Revering – một bà mẹ ở bang Minnesota, Mỹ diễn ra đã khá lâu, vậy nhưng nó vẫn khiến cô vô cùng ân hận và là bài học cho rất nhiều bậc cha mẹ khác, cho đến tận ngày hôm nay.
Cơn nóng giận mù quáng của người lớn khi trẻ sơ sinh khóc
Theo đó, bi kịch xảy ra vào ngày 10 tháng 11 năm 2010. Ngày hôm ấy, bà mẹ trẻ Tami cùng một người bạn của mình, đưa các con đi chơi tại một trung tâm giáo dục sớm cho trẻ em. Sau khi lớp học kết thúc, người bạn của Tami nhờ cô đưa con của họ về nhà. Dù đã rất mệt và cần được nghỉ ngơi, tuy nhiên Tami lại cảm thấy ngại ngùng và đành đồng ý.
Cô đưa 4 đứa trẻ về nhà của mình, cho 3 đứa lớn đi ngủ rồi sau đó cho đứa trẻ nhỏ nhất Anders – khi ấy mới 4 tháng tuổi uống sữa và đặt xuống cũi. Tami kiệt sức và muốn nghỉ, vậy nhưng đứa trẻ lại liên tục khóc quấy.
“Tôi vào phòng và cố gắng ru thằng bé ngủ. Tôi điên cuồng rung lắc thật mạnh đứa trẻ nhưng chẳng có tác dụng gì. Vậy là tôi quẳng thằng bé lại trong cũi và đi ra ghế sofa ngồi. Tôi cứ ngồi ở ghế, không biết bao nhiêu lâu, không buồn dỗ dành đứa trẻ nữa.”
Chỉ không lâu sau, Tami đã biết mình vừa làm một hành động điên rồ. Em bé nằm trong cũi với đôi mắt mở trừng, bắt đầu lên những cơn co giật. Tami bắt đầu la hét, hoảng sợ gọi cấp cứu. Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn.
Cậu bé Anders đã ở trong tình trạng chảy máu sọ não nguy kịch. Cuộc sống của em từ giờ về sau sẽ gặp phải nhiều khiếm khuyết trong nhận thức, thậm chí có thể luôn luôn phải dùng thuốc chống co giật.
Tami bị cảnh sát bắt giữ, biệt giam 3 ngày và sau đó đưa vào một bệnh viện tâm thần để điều trị. Tình bạn giữa cô và người bạn thân của mình, mãi mãi không bao giờ có thể tiếp tục.
Câu chuyện rung lắc trẻ sơ sinh không của riêng ai
Không kìm nén được cơn tức giận khi trẻ khóc hay quấy, nhiều bậc cha mẹ mất tự chủ hoặc có thói quen xốc trẻ lên cao hoặc lắc dữ dội để thoả cơn giận. Tuy nhiên, thực tế, cách ứng xử khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được là cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân. Những bậc ông bà của trẻ cũng không nên vì quá yêu trẻ mà rung lắc hay tạo áp lực cho cha mẹ của trẻ khi trẻ khóc nhiều.
“Khi 4 tháng tuổi, não một đứa trẻ cũng như đồng xu đựng trong một cái bình. Việc rung lắc quá mạnh có thể gây ra những tổn thương khó lòng khắc phục. Câu chuyện về hành động nôn nóng, sai lầm của Tami khi ứng xử với trẻ sơ sinh đang khóc có thể cũng sẽ là câu chuyện của bất cứ một bà mẹ trẻ hay một người lớn trưởng thành nào. Đừng bao giờ như vậy”, một chuyên gia nhận định.