Khi bé 8 tháng tuổi, đây là lúc bé trở nên hiếu động, ham học hỏi và rất thích làm người lớn. Bé phát hiện ra những điều kỳ thú bên ngoài đang chờ bé khám phá. Bé hầu như hoạt động liên tục. Bạn sẽ nhận ra rằng không dễ để giữ bé ngồi yên trong lòng bạn lâu. Bé sẽ vùng ra và lăn xuống sàn để được tự do hơn.
Lo lắng là cảm xúc thường gặp ở lứa tuổi này. Bé thấy và muốn nhiều thứ, nhưng lại chưa có khả năng lấy những thứ mình muốn. Do đó, bạn phải tự đào tạo mình trở thành “nhà phiên dịch” để hiểu nhu cầu của bé.
Bạn sẽ nghe bé 8 tháng tuổi khóc theo nhiều kiểu khác nhau. Bé sẽ “trình diễn” đủ các màn từ quấy khóc, cứng đầu và nhõng nhẽo. Nhưng bù lại, bé cũng đem đến những tràng cười hạnh phúc và vui sướng.
Ăn và ngủ
Giai đoạn này bé sẽ ăn 2-3 bữa thức ăn đặc mỗi ngày. Sữa vẫn là thức ăn quan trọng giúp cho bé tăng trưởng. Nhưng thức ăn đặc sẽ giúp bổ sung thêm dinh dưỡng và năng lượng. Nếu bé bú mẹ, bạn sẽ thấy bé không đòi bú nhiều như trước. Vì lúc này, thức ăn đặc giúp bé no lâu hơn. Nhưng dù là bú bình hay bú mẹ, bạn vẫn nên duy trì khoảng 4 cử bú/ngày cho bé 8 tháng tuổi nhé.
Bé có nhu cầu ngủ 2-3 cữ/ngày, mỗi giấc khoảng 1-3 tiếng. Hoạt động của bé đang dần “vào khuôn” hơn nên bạn sẽ dễ sắp xếp công việc xung quanh chuyện cho bé bú và ngủ. Mỗi khi buồn ngủ, bé sẽ rất cáu gắt và quấy. Bạn sẽ không làm được gì cả cho tới khi dỗ bé ngủ xong. Cũng đừng quá lo khi thấy những thay đổi này từ bé, mọi việc sẽ dần ổn định hơn.
Bé thích tập nói
Bé bắt đầu ê a tự nói chuyện và phát âm rất dễ thương. Bạn sẽ nghe bé nói mama và papa suốt mặc dù bé chẳng hiểu ý nghĩa của nó đâu. Nhưng dần dần, bé sẽ có nhiều từ hơn, biết cách kết nối từ cũng như hiểu được ý nghĩa của các từ.
Bạn nên chịu khó nói chuyện với bé về mọi việc trong nhà. Nhờ gia đình và mọi người xung quanh, bé sẽ học được cách hoà nhập nhanh hơn.
Bé bắt đầu học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Bé cũng trở nên hiếu động hơn. Do đó, bạn nên quan sát bé kĩ mỗi khi cho bé chơi dưới sàn. Giai đoạn này, bé sẽ tập bò và tự vật lộn để có thể ngồi được 1 mình. Bé có thể leo trèo khắp nơi rồi trườn khắp sàn nhà. Bé sẽ lăn để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bé biết cách phối hợp tứ chi để di chuyển đến nơi mình muốn, dù bé cũng chỉ có thể di chuyển từng đoạn ngắn mà thôi.
Bé cũng bắt đầu chập chững tập đứng. Bé biết vịn vào cũi để đứng lâu hơn. Mỗi khi không với tới đồ chơi hoặc có gì bất an, bé biết tỏ thái độ để làm bạn chú ý. Các kỹ năng sẽ phát triển và hoàn thiện dần. Bạn nên vỗ tay khen bé mỗi khi bé cố gắng tự kiểm soát cơ thể mình.
Nếu bạn lo lắng về sự tăng trưởng của bé, bạn có thể đưa bé đến trung tâm dinh dưỡng và sức khoẻ để kiểm tra. Mỗi bé đều là một cá thể riêng biệt và duy nhất nên sự tăng trưởng cũng sẽ khác nhau. Bạn sẽ chỉ chuốc thêm lo lắng chứ không được lợi gì mỗi khi so sánh bé với các bạn cùng tuổi.
Sức khoẻ của bé
Bé thích nhặt nhạnh cát bụi hoặc những thứ nhỏ xíu xiu trên sàn. Cứ như có cái rada trên người bé để đi ra soát các vật thể tí hon vậy. Bạn sẽ luôn ngạc nhiên và tự hỏi không biết sao mà mắt bé tinh đến vậy. Nhưng cũng có nghĩa là bạn phải bắt đầu cảnh giác hơn. Hãy cố gắng đảm bảo nhà cửa luôn sạch sẽ và an toàn cho bé. Bạn có thể mua thêm các vật dụng an toàn hỗ trợ cho bé.
Bạn nên kiểm tra các đồ nội thất trong nhà có cố định chưa. Các vật như tivi, chậu hoa, kệ sách và bàn ghế phải được kê chắc chắn, không có khả năng xê dịch. Đây là lúc bạn tập thói quen khoá tủ thuốc cũng như tủ bếp, cẩn thận với các loại chất tẩy rửa. Thực hiện những nguyên tắc này từ sớm sẽ giúp bạn có được môi trường tốt để bé phát triển. Đừng ỷ y mà để những sự việc không hay xảy ra.
Bé chơi đùa và giao tiếp
Bạn không cần phải để thật nhiều đồ chơi cho bé. Chỉ cần một vài món thôi thì bé sẽ dễ lựa chọn hơn. Bạn nhớ chọn các món có màu sắc sáng sủa. Bạn sẽ thấy bé bỏ mọi thứ vào miệng và cắn thử. Đừng lo, đó là cách bé khám phá mọi vật xung quanh. Từ chân bạn cho đến giày hoặc thú nuôi trong nhà, bé đều muốn liếm thử hoặc nhai thử, nhất là những bé đã mọc răng. Bạn đừng lo sợ bé sẽ gây đau cho bạn hoặc người xung quanh. Ở tuổi này, bé chưa ý thức được việc bé làm. Do đó, bạn chỉ cần cẩn thận hơn và cố gắng đoán trước xem khi nào bé chuẩn bị cắn.
Những thay đổi của bạn
Giai đoạn này bé rất dễ thương. Đến nỗi bạn sẽ suy nghĩ về việc sinh thêm một bé nữa. Mỗi ngày đều rất tốt đẹp. Thậm chí có nhiều bà mẹ cảm giác buồn khi thấy bé lớn nhanh như thổi. Hãy ráng tận hưởng khoảng thời gian đẹp đẽ này.
Vòng lẩn quẩn những công việc hằng ngày có thể khiến bạn mệt mỏi. Thời điểm này, bạn sẽ bận rộn với thử thách mới là nấu các thức ăn đặc và lau chùi ghế ăn cho bé. Bạn sẽ bớt được cảm giác cứ phải canh chừng bé liên tục.
Khi bé ngủ, bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi một chút. Dành thời gian này cho riêng bạn. Đừng bỏ bê bản thân nhé, vì nếu bỏ bê bản than lâu ngày, bạn có thể bị ức chế và trở nên nóng nảy. Cố gắng tự chăm sóc và quý trọng bản thân mình.
Cảm xúc của bạn
Bạn sẽ thấy đây là lúc bạn như dính liền với bé. Không còn lúc nào để dành riêng cho bạn. Vấn đề này rất thường gặp nhưng không phải cha mẹ nào cũng chuẩn bị tốt để tiếp nhận nó. Nếu bạn luôn đánh giá cao sự tự do, vậy thì đây sẽ là khoảng thời gian thử thách cho bạn.
Bạn nên chia sẻ với chồng về cảm giác của bạnhoặc tâm sự với những người mẹ khác để có người hiểu bạn hơn. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn thêm về cảm xúc giai đoạn này và làm sao để làm tốt mọi việc.
Giấc ngủ của bạn
Bé sẽ ngủ những giấc dài hơn trong đêm nên bạn cũng ngủ được nhiều hơn. Tuy nhiên, bé rất nhạy cảm với sự hiện diện của bạn trong phòng. Bạn có thể sắp xếp nôi của bé sao cho bé không nhìn thấy được bạn.
Nếu bạn không ngủ được thì bạn hãy xem lại cách bố trí phòng ngủ của mình. Thùng đồ giặt, quần áo bé, đồ chơi và nhiều vật dụng bừa bãi khắp phòng. Bạn hãy dọn cho gọn gàng. Cất bớt đồ vào những phòng khác. Tạo không khí thoải mái cho phòng ngủ của mình.
Mối quan hệ của bạn
Hầu hết mối quan tâm của bạn lúc này đều dành cho bé. Bạn chẳng nhớ đến ai nữa hết. Và bạn cũng không cần áy náy vì điều đó.Mọi người sẽ hiểu cho bạn mà.