Bé 9 tháng tuổi hiếu động và thích khám phá hơn. Bé biết trườn để di chuyển khắp sàn. Bé thậm chí dùng mông để di chuyển, tập bò và leo trèo khắp nơi. Tất cả các hoạt động này đều giúp cho kĩ năng di chuyển của bé ngày một tốt hơn. Giai đoạn này bé cũng làm được nhiều thứ hơn nên bạn phải chú ý kiểm tra mọi thứ xung quanh để đảm bao an toàn cho bé.
Ba mẹ phải học cách nhìn sự vật xung quanh theo một cách khác đi mỗi khi có bé ở bên. Đôi khi chỉ là những khám phá nho nhỏ cũng có thể làm cho cả nhà vui vẻ và phấn khích.
Ăn và ngủ
Đây là một giai đoạn khá hỗn loạn. Bé sẽ hào hứng ăn thử tất cả các món và bạn hầu như không bao giờ giữ cho bé sạch sẽ đến cuối bữa ăn được cả. Hãy cứ để bé khám phá các món ăn và nghiên cứu cách ăn của riêng của mình. Bạn không cần kiểm soát cách bé ăn uống. Hãy để bé học cách tự ăn càng sớm càng tốt. Nếu bé thích ăn bằng tay thì cứ để bé tự nhiên. Bạn chỉ cần chú ý làm sao cho các món ăn nhiều màu sắc và bắt mắt để kích thích bé. Còn việc ăn món gì và ăn bao nhiêu thì hãy để bé tự do lựa chọn. Bạn có thể đút bé thêm các loại thức ăn nghiền hoặc mài nhỏ. Tuy nhiên, cũng đừng quên cho bé một cái muỗng riêng để bé tự khám phá.
Ngủ vẫn là giai đoạn quan trọng đối với bé. Bé có thể ngủ chỉ còn 2 giấc/ngày. Lúc buồn ngủ, bé hay trở nên cáu gắt và mệt mỏi. Hãy để ý các dấu hiệu của bé mỗi khi bé mệt hoặc buồn ngủ. Ví dụ như là dụi mắt, mè nheo, gục đầu trên vai mẹ hoặc tỏ ra chán các món đồ chơi hấp dẫn.
Đừng để bé trở nên quá mệt mỏi. Cũng như đừng để bé thức khuya hơn ngày thường, bé có thể sẽ cáu gắt ầm ĩ lên vì mệt. Giai đoạn này sẽ qua mau. Mọi thứ cũng trở nên thuận lợi hơn do sinh hoạt hằng ngày có nề nếp hơn.
Bé tập nói
Giọng của bé trở nên cao vút. Một số bé sẽ rất ồn ào, nhưng cũng có những bé rất trầm tĩnh. Nên để ý phản ứng của bé mỗi khi có tiếng ồn đột ngột. Lúc đó bạn hãy quan sát xem 2 mắt bé có di chuyển đều nhau không và bé có tập trung nhìn vào một vật gì đó không. Bạn cũng nên chú ý cách bé di chuyển. Ba mẹ thường là người đầu tiên phát hiện ra những bất thường về thể chất cũng như tinh thần của bé.
Nếu bạn thấy bé có gì bất thường, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra.
Bé bắt đầu tập đứng dậy và biết giữ thăng bằng. Bạn nên quan sát bé cẩn thận hơn vì nhiều lúc bé cứ nghĩ là bé làm được, nhưng sự thật không phải vậy. Mỗi khi bạn ngồi chơi với bé, bé có thể leo lên chân bạn như leo cầu thang vậy. Bạn có nghĩ sẽ phản ứng thế nào không? Bạn sẽ khuyến khích bé và thưởng cho những nỗ lực của bé? Hay là bạn sẽ cản bé lại vì sợ bé bị té?
Cha mẹ nào cũng sẽ lo lắng sợ con mình bị đau còn bé thì lại rất nhạy cảm với cảm xúc của ba mẹ. Bởi vậy, bạn nên vui vẻ khuyến khích bé học những điều mới.
Bé bắt đầu ngồi vững hơn và biết đổi tư thế từ nằm sang ngồi một cách nhanh chóng. Hãy để bé tự do chơi dưới sàn, bé sẽ có nhiều cơ hội hoàn thiện các kỹ năng hơn.
Đây có thể là lúc bé mọc chiếc răng đầu tiên. Quá trình này rất cá biệt. Bạn cứ hãy chờ xem nó diễn ra thế nào. Khi nào bạn đi khám răng, bạn có thể đem bé theo để kiểm tra cùng.
Bạn có thể tham khảo thêm Sơ đồ mọc răng của bé.
Giai đoạn này bạn có thể phải mua quần áo quần áo size lớn hơn cho bé. Ngược lại, cũng có nhiều bé mặc đồ hoài không đổi size. Thật ra, trẻ con tăng trưởng vào ban đêm và khi chúng ngủ. Vì lúc ngủ là lúc tiết ra hormon tăng trưởng và tái tạo năng lượng. Các bé cũng có vẻ lớn nhanh vào mùa xuân và mùa hè, lớn chậm hơn vào mùa thu. Miễn là bé vẫn vui vẻ, lên cân đều, đầy sức sống và phát triển theo đúng cột mốc thì bạn không có gì phải lo lắng.
Biểu đồ tăng trưởng là công cụ hữu hiệu để theo dõi sự phát triển. Bạn có thể xem biểu đồ này trong sổ khám sức khoẻ định kì của bé.
Sức khoẻ của bé
Hãy xem lịch chủng ngừa của bé để xem bé 9 tháng cần chích ngừa những bệnh gì.
Nếu bé bú bình, bạn có thể không cần tiệt trùng bình và chén bát cho bé nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo rửa sạch sẽ. Sữa nên được trữ ở giữa tủ lạnh, nhưng đừng để ở cửa tủ. Những bình nào trữ quá 24 tiếng rồi thì bạn không nên sử dụng nữa.
Bé chơi đùa và giao tiếp
Bé 9 tháng tuổi sẽ hứng thú với các cuộn giấy. Bé sẽ bị cuốn hút bởi những món đồ chơi nhiều màu sắc, nhiều hình dạng và có âm thanh. Bạn nên kiểm tra sàn nhà và xung quanh trước khi cho bé chơi. Bạn có thể chơi trốn tìm hay giấu đồ chơi để bé tìm. Bạn sẽ nghĩ ra nhiều trò mới và hấp dẫn trong lúc chơi với bé. Theo dõi phản ứng của bé để xem có thể chơi tiếp trò gì. Những phụ huynh nhạy cảm sẽ dựa vào phản ứng của bé để học cách giao tiếp và đồng cảm với bé. Bé cũng sẽ học được nhiều từ sự tương tác với ba mẹ.
Mẹ của bé
Nếu cân nặng của bạn vẫn chưa về bình thường thì đây là lúc bạn nên bắt đầu tập thể dục. Không có cách nào giảm cân tốt hơn là đốt bớt năng lượng bằng cách tập thể dục. Cách này sẽ tốt hơn là ăn kiêng. Nếu bạn không thích đến phòng tập, bạn có thể đi bộ, đạp xe đạp hoặc đi bơi. Bạn có thể tìm thêm những phương pháp tập khác và nên rủ bạn bè tập chung.
Quan trọng nhất là phải duy trì động lực tập thể dục cũng như nhìn vào kết quả tích cực đạt được để tiếp tục cố gắng. Bạn nên tự thưởng cho mình vài bộ quần áo mới hoặc những món quà yêu thích.
Cảm xúc của bạn
Bạn có thể có lại những cảm xúc như hồi mang thai. Bạn sẽ so sánh 9 tháng mang thai với 9 tháng vừa trải qua với bé. Hãy nghĩ về những thay đổi tốt đẹp trong gia đình bạn, cơ thể bạn và cuộc sống của bạn trong suốt 18 tháng qua.
Nếu bạn đã có con trước đó thì đây là khoảng thời gian bé lớn bắt đầu làm quen được với em của mình. Và bạn cũng học được cách đón nhận một thành viên mới. Một số bác sĩ tin vào khái niệm về thứ tự ra đời và tác động của nó đối với hành vi mỗi cá nhân. Mặc dù trẻ con có cùng ba mẹ và kế thừa cùng nguồn gốc di truyền, nhưng mỗi bé là một cá thể riêng biệt. Đừng so sánh các con với nhau. Hãy học cách chấp nhận mỗi bé là một cá tính độc đáo riêng.
Giấc ngủ của mẹ
Nếu bạn cần thức dậy vào giữa đêm để lo cho bé, bạn nên xem thêm thông tin ở mục Giấc ngủ. Vào 9 tháng tuổi, bé không cần bú cữ đêm nữa. Nếu bé vẫn còn bú đêm, bạn nên thay đổi để tốt hơn cho cả bạn và bé.
Ngay cả khi trước đây bạn là người ngủ rất nhiều, thì giờ đây bạn lại là người rất dễ thức giấc. Ngủ là yếu tố có thể thay đổi rất nhiều từ sau khi sinh bé. Phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, sẽ phải học cách thay đổi đồng hồ sinh học của bản thân. Nếu bạn thấy khó ngủ, có thể là vì uống cà phê, tập thể dục trễ, ăn quá no hoặc ngủ trưa quá nhiều.
Mối quan hệ của bạn
Nếu cảm thấy cô đơn, bạn có thể tham gia sinh hoạt với nhóm dành cho các bà mẹ. Bạn có thể đem bé theo mỗi khi đi sinh hoạt. Gặp gỡ những người cha người mẹ khác thường rất có ích. Và các đề tài về trẻ em sẽ giúp các bậc phụ huynh quen nhau nhanh chóng. Có thể cho bé chơi với các bé ở nhóm tuổi khác để bé học được nhiều thứ hơn. Tiếp xúc với xã hội nhiều mỗi ngày sẽ giúp bé học hỏi về thế giới bên ngoài rất nhanh.