Bà Thượng, bà nội bé vội thò tay vào cổ họng bé móc đồng xu ra. Bà kể lại: “Lúc ấy đồng xu chưa xuống sâu, mới chỉ mắc lại trên cổ họng”. Vì mắt mình nhìn thấy được đồng xu nên bà chủ quan móc nó ra, nhưng Nghiên Nghiên đau quá không ngồi im được khiến cho đồng xu rơi sâu xuống dưới.
Sau đó chị Trương ra hiệu thuốc mua thuốc bôi trơn về cho bé, nhưng họ vẫn không lấy được xu ra mà còn khiến bé gái nôn thốc nôn tháo. Lúc này, người nhà mới vội vàng đưa Nghiên Nghiên đến bệnh viện, phim chụp cho thấy đồng xu vẫn kẹt trong cổ họng, tình trạng vô cùng nguy hiểm, phải lập tức đưa lên bệnh viện tuyến trên.
Thật không may trên đường chuyển viện, mẹ con chị Trương lại gặp cảnh tắc đường, con thì cứ trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, phải mất 1 tiếng sau họ mới đến được bệnh viện. Khoảng 15 giờ, Nghiên Nghiên được đưa vào phòng phẫu thuật nhưng lúc này, kết quả khám lại cho thấy, đồng xu đã rơi xuống tận dạ dày bé.
Sáng ngày 10/10, khi phóng viên đến bệnh viên thăm hỏi, tình trạng của Nghiên Nghiên đã khá hơn rất nhiều. Y tá cho biết: “Hiện giờ đồng xu đang ở trong dạ dày bé, chúng tôi định dùng thuốc để đồng xu ra ngoài theo đường bài tiết”. Cô bé hiện đã qua cơn nguy hiểm, nhưng do trước đó người nhà cho tay vào móc đồng xu nên thực quản của bé bị vỡ, đang trong quá trình điều trị, chỉ hút được nước và phải súc miệng sau khi ăn để tránh nhiễm trùng.
Bé gái hiện đã qua cơn nguy hiểm nhưng vẫn phải điều trị phục hồi thực quản.
Trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên gặp phải tai nạn hóc dị vật
Bác sĩ phụ trách cho biết, Nghiên Nghiên được đưa vào viện trong tình trạng hết sức nguy hiểm, đồng xu mắc kẹt trong thực quản cũng có thể gây nên ngạt thở chết người. Nhưng hiện chỉ cần chờ đồng xu được bài tiết ra ngoài là gia đình có thể yên tâm. Hiện tượng trẻ em vô tình nuốt phải đồng xu không phải hiếm xảy ra, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, đây đã là trường hợp thứ 5 mà bệnh viện tiếp nhận trong 2 năm nay.
Bác sĩ nói: “Ngoài đồng xu, chúng tôi còn gặp các trường hợp trẻ em nuốt nhiều loại dị vật khác như: hạt dưa, hạt lạc, miếng táo...” Các biểu hiện lâm sàng của hiện tượng nuốt phải dị vật ở trẻ được chia làm 4 giai đoạn. Đầu tiên là ho, tức thở, nếu dị vật lớn sẽ gây nên ngạt thở. Tiếp đó sẽ rơi vào trạng thái bình thường khiến chúng ta không nhận ra bé có triệu chứng lạ. Sau đó, bé sẽ ho dữ dội hơn do sự va chạm, mắc kẹt của dị vật trong cổ họng. Cuối cùng, bé sẽ có hiện tượng sốt, ho liên tục, nhiều đờm, đau ngực, ho ra máu và khó thở.
Bố mẹ cần tìm hiểu kĩ kĩ thuật sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật mới có thể làm được.
Để tránh việc bé nuốt phải dị vật, gia đình nên tạo cho bé thói quen ngồi ngay ngắn khi ăn, ăn từ từ và không được ngậm. Trẻ nhỏ hơn thì hạn chế ăn các loại hạt như hạt lạc, hạt dưa và thực phẩm có vỏ khác. Sau khi trẻ nuốt phải dị vật, tuyệt đối không dùng mẹo cho trẻ nuốt cục cơm hay uống giấm để đẩy dị vật xuống mà nên đưa ngay đến bệnh viện để gắp ra.
Ngoài ra, không nên cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi nhỏ, trơn, dễ có nguy cơ khiến trẻ nuốt vào như đồng xu, viên bi. Ngay cả khi cho trẻ ăn hoặc chơi đùa các loại kẹo, loại quả như nhãn, chôm chôm, vải... bố mẹ cũng cần hết sức cảnh giác vì đây là những tác nhân hàng đầu gây nên hóc dị vật ở trẻ.
Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên: Khi đưa đến viện mà dị vật đã mắc hẳn trong họng, tình hình nguy hiểm, người nhà có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu. Bố mẹ có thể đặt con nằm trên 2 chân mình, lưng hướng lên trên, đầu hướng xuống dưới, sau đó dùng lực ấn vào phần lưng trẻ. Nhưng đây là cách làm đòi hỏi kỹ thuật cao, chuyên nghiệp nên bố mẹ nên cẩn trọng tìm hiểu kĩ trước khi thực hiện.