Nhiều người thường nói “một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”, ngụ ý việc hay cười sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với việc uống thuốc bổ. Đặc biệt, trẻ con hay cười sẽ càng đáng yêu, dễ thương hơn, nhưng đôi lúc trẻ hay cười vô cớ thì bố mẹ cũng cần phải chú ý.
Cô bé Thiên Thiên (tên nhân vật đã thay đổi, hiện 5 tuổi và sống ở Trung Quốc) từ nhỏ đã rất thích cười, nhưng nụ cười của cô bé lại khiến bố mẹ lo lắng. “Con bé thường xuyên cười khúc khích vô cớ trong hơn 4 năm qua, đôi mắt lúc nào cũng nhìn vô định về phía trước, thỉnh thoảng con bé lại cười phá lên khiến mọi người lo lắng, khó chịu”, bố mẹ Thiên Thiên cho hay.
|
Bé Thiên Thiên bị bệnh động kinh thể cười.
|
Ban đầu, bố mẹ Thiên Thiên cũng không quan tâm, nhưng khi con gái lớn hơn, tình trạng này vẫn không được cải thiện nên họ mới đưa con tới bệnh viện kiểm tra. Sau khi hội chẩn chung với nhiều chuyên gia, Thiên Thiên được chẩn đoán mắc chứng “động kinh thể cười” – một căn bệnh hiếm gặp, nguyên nhân chủ yếu là do u não vùng dưới đồi.
Căn bệnh này có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. May mắn thay, sau ca phẫu thuật, Thiên Thiên đã nhanh chóng trở lại bình thường. Hiện cô bé vẫn đang nằm viện để theo dõi.
Động kinh thể cười là gì? Biểu hiện của bệnh ra sao?
Động kinh thể cười là một dạng động kinh hiếm gặp, có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ dưới 4 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, và thường phổ biến hơn ở các bé trai. Một trong những nguyên nhân phổ biến của động kinh thể cười là do u não vùng dưới đồi, khối u này có thể là u mô thừa hoặc u tế bào hình sao.
|
Trẻ bị động kinh thể cười thường cười bất thường không rõ nguyên nhân, tiếng cười có thể kéo dài từ 35-40 giây hoặc ít hơn và dừng lại đột ngột.
|
Khi mắc bệnh động kinh thể cười, trẻ thường cười bất thường không rõ nguyên nhân, tiếng cười có thể kéo dài từ 35-40 giây hoặc ít hơn và dừng lại đột ngột. Trong hoặc ngay sau một cơn động kinh thể cười, trẻ có thể xuất hiện một số cơn co giật, chép môi, bồn chồn, cử động mắt kỳ lạ. Với trẻ từ 5 tuổi trở lên, trẻ có thể bị co giật toàn thân, với tuần suất 4 – 5 cơn/ngày.
Làm sao để nhận biết trẻ bị động kinh thể cười?
Căn bệnh này dễ bị chẩn đoán nhầm với rối loạn cảm xúc, vì vậy nếu con trẻ có những biểu hiện như trên thì bố mẹ nên đưa con đi chụp điện não đồ và chụp cộng hưởng từ MRI. Việc chụp điện não đồ có thể phát hiện ra những bất thường của sóng điện não, trong khi đó chụp cộng hưởng từ sẽ giúp bác sĩ phát hiện các khối u rất nhỏ trong não, từ đó tìm ra nguyên nhân gây động kinh thể cười.
Các loại thuốc điều trị động kinh cục bộ có thể được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân để điều trị động kinh thể cười, nhưng không phải loại thuốc chống động kinh nào cũng có thể kiểm soát hiệu quả các cơn co giật. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u, điều trị triệt để căn nguyên gây bệnh động kinh.
Nếu nguyên nhân gây động kinh là u mô thừa, bệnh nhân sẽ được cải thiện tình trạng co giật sau khi phẫu thuật. Dù vậy, căn bệnh này thường rất khó kiểm soát, cần điều trị lâu dài, nên các bậc phụ huynh không nên tự ý đổi thuốc hay bỏ thuốc chống động kinh của trẻ.