Trẻ em “quá khổ” đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo ở các trường mầm non. Béo phì không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo ra áp lực tâm lý đối với trẻ. Chữa béo phì cho trẻ cũng không hề đơn giản, nên các phụ huynh cần điều chỉnh ngay chế độ ăn cho con nếu có dấu hiệu béo phì.
Nguyên nhân trẻ bị béo phì
Trẻ bị béo phì thường do các nguyên nhân cơ bản: di truyền từ bố mẹ; bé bị hội chứng thèm ăn; bị rối loạn nội tiết tố; ba mẹ quá nuông chiều cho xem ti vi nhiều lười vận động; ngoài ra sự thiếu kiến thức về dinh dưỡng, dinh dưỡng không hợp lý cũng sinh ra béo phì ở trẻ.
Năm học 2008-2009, Sở GD- ĐT TP.HCM đã đưa chỉ tiêu giảm béo từ 2-3% so với trẻ béo phì vào các trường mầm non – một con số khá khiêm tốn. Nhưng thực tế, để đạt được những kết quả trên thì thật không đơn giản chút nào, vì ở chừng mực nào đó, nhà trường chưa có sự đồng thuận từ phía gia đình. Qua trao đổi với phụ huynh, nhiều người cho rằng:
- “Trẻ nhỏ có mũm mĩm, mập mạp thì mới dễ thương”
- Trẻ béo phì xấu, không sao, miễn khỏe mạnh là được rồi;
- Cô ơi, ở trường mầm non, trẻ chơi nhiều hơn học, ăn nhiều béo tốt, để dành lên cấp I học nhiều sẽ tự ốm mà;
- Trường chạy theo chỉ tiêu, làm khổ mấy đứa nhỏ nó còn con nít biết gì mà béo với phì; Béo phì thì có sao đâu, nó vẫn chạy nhảy vui chơi bình thường mà”…
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, hiện nay béo phì được xem là một trong “tứ chứng nan y của thời đại”. Tuy nhiên, béo phì có thể chữa khỏi nếu người bệnh quyết tâm. Trẻ béo phì thường ăn nhiều lại ít vận động chậm chạp, bé mặc cảm ít tham gia cùng các bạn, mệt mỏi ít chú ý học tập, tiếp thu kém…
Theo bác sĩ Hoàng Thị Tín (Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM) thì trẻ bị béo phì tần suất gan nhiễm mỡ cũng tăng nhanh. Gan nhiễm mỡ do béo phì được công nhận là một bệnh lý gan mãn tính ở trẻ em. Nó bao gồm những rối loạn từ thoái hóa mỡ đơn thuần cho đến viêm gan mỡ, là tình trạng gan nhiễm mỡ nặng với các mức độ viêm và tổn thương tế bào gan khác nhau, có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư và suy gan.
Bên cạnh đó, béo phì còn là nguy cơ của những biến chứng khác như tăng công hô hấp, tăng thông khí, ngừng thở lúc ngủ do tắc nghẽn, bệnh lý sỏi mật, ung thư, xương khớp và da… Trẻ bị béo phì thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, lâu ngày khiến trẻ dễ mắc các bệnh trầm cảm. Khi đó, trẻ sẽ không giao thiệp với bạn bè, kém tự tin, giảm khả năng học tập…”.
Các biện pháp phòng chống
Một số biện pháp về phòng chống béo phì tại trường là giúp trẻ giảm cân hợp lý, phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ: tập cho trẻ vận động vừa sức, cho trẻ tập thể dục chơi các loại trò chơi giúp tăng chiều cao; hồ bơi của trường hoạt động hết công suất, ưu tiên cho trẻ béo phì; lao động trực nhật vừa sức; đây là loại hình lao động trẻ thích thú nhất, trẻ rất vui khi được cô giao nhiệm vụ.
Về chế độ ăn của trẻ thì béo phì uống sữa gầy (sữa tách béo); giảm bớt lượng cơm trong bữa ăn; cho trẻ ăn nhiều rau, nhiều trái cây (trẻ có cảm giác no nhưng nhanh đói, bù lại trẻ sẽ được cung cấp nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe); giáo viên chú ý giáo dục cho bé một số kiến thức cơ bản, để bé có thể tự phòng chống béo phì (không ăn nhiều bánh kẹo, ăn nhiều rau trái, tích cực vận động vừa sức, nhai kỹ khi ăn, không xem ti vi nhiều…). Trẻ béo phì nếu không tích cực chữa trị sẽ trở thành người lớn béo phì. Béo phì – bệnh khó chữa nhưng nếu được quan tâm đúng mức nhất là có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, chắc chắn sẽ thành công. Trẻ sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc trong vòng tay của thầy cô và ba mẹ.