Bệnh Tay chân miệng có giống với bệnh lở mồm long móng ở động vật?
Không, bệnh tay chân miệng không phải là bệnh lở mồm long móng ở động vật. Bệnh lở mồm long móng được gây ra bởi một loại vi rút khác và chỉ gây bệnh trên gia súc, cừu, và lợn.
Bệnh Tay chân miệng xảy ra ở đâu?
Trên thế giới, bệnh Tay chân miệng có thể xảy ra nhỏ lẻ hoặc bùng phát thành dịch. Ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, dịch thường xảy ra quanh năm.
Dịch Tay chân miệng xảy ra vài năm một lần tại các khu vực khác nhau của thế giới. Trong những năm gần đây, dịch xảy ra nhiều hơn tại châu Á. Các nước ghi nhận số trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng cao bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.
Bệnh tay chân miệng có phải là bệnh mới không?
Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới xuất hiện, trong tài liệu y khoa đã nói đến từ lâu. Tuy nhiên đa số bác sĩ và người dân đều không biết đến bệnh này, do trước đây bệnh chủ yếu là tác nhân coxsakie , bệnh diễn tiến lành tính. Gần đây trên thế giới đã phát hiện thêm một tác nhân mới rất nguy hiểm cũng gây ra bệnh này đó là enterovirus 71, tác nhân này nguy hiểm vì nó có thể gây biến chứng não và tim gây tử vong cao và rất nhanh.
Đường lây truyền của bệnh ?
Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Nguyên nhân của bệnh Tay chân miệng?
Bệnh Tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Người bị lây nhiễm bệnh Tay chân miệng như thế nào?
Vi rút gây bệnh Tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân).
Bệnh Tay chân miệng không lây truyền từ người tới vật nuôi/động vật và ngược lại.
Tất cả những người chưa từng bị bệnh Tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh.
Bệnh Tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 3 tuổi, các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.
Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.
Trẻ mắc bệnh ở trẻ dưới 3 tuổi chiếm khoãng 80%, thường không đi học, xin cho biết trẻ bị lây bệnh từ đâu? Có cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hay không?
Theo số liệu thống kê số trẻ mắc bệnh có 80% là do mắc bệnh từ tại nhà, do đó đi học hay không đi học vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Người lành mang trùng chiếm tỷ lệ 17-23% , như vậy có khả năng người lớn lây trẻ em (Đã ghi nhận trẻ 2 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng).
Khả năng lây bệnh cho trẻ là do vi-rút có trong nước miếng, dịch mũi họng, phân, nước tiểu, dịch bóng nước của trẻ bệnh phát tán ra môi trường xung quanh, vi-rút này tồn tại trong đồ ăn thức uống, sàn nhà đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hằng ngày, bàn tay của người chăm sóc trẻ và sẽ tấn công vào cơ thể trẻ qua đường miệng.
Bệnh Tay chân miệng nghiêm trọng tới mức nào?
Bệnh Tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng.
Bệnh cũng có thể diễn biến nặng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do vi rút EV71 gây ra.
Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm sau khi tiếp xúc?
Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3 - 7 ngày. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh Tay chân miệng, sốt thường kéo dài 24 - 48 giờ. Bóng nước, các vết loét ở các vị trí tay, chân, miệng, gối , mông
Bệnh Tay chân miệng có những triệu chứng gì?
Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như:
- Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.
- Một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.
- Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và /hoặc ở cơ quan sinh dục.
- Người bị bệnh Tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng.
- Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Biểu hiện của bệnh như thế nào ?
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý đó là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2 – 10 mm, màu xám, hình bầu dục, bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng làm trẻ đau và bỏ ăn.
Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.
Bệnh tay chân miệng không có miễn dịch vĩnh viễn, do đó có thể mắc lại. Mặt khác, do có nhiều tác nhân khác nhau gây bệnh nên đã bệnh rồi vẫn có thể mắc lại.
Phụ nữ mang thai có mắc bệnh Tay chân miệng không?
Về lý thuyết, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị bệnh Tay chân miệng và đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa lây truyền.
Nhiễm vi rút đường ruột và bệnh Tay chân miệng rất hay gặp ở phụ nữ mang thai vì họ thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Chúng có thể gây bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh ở phụ nữ mang thai. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm vi rút đường ruột, trong đó có vi rút gây bệnh bệnh Tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như phá thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh). Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút đường ruột có bệnh nhẹ, hiếm khi có tiến triển thành nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và tử vong do nhiễm trùng.
Điều trị bệnh Tay chân miệng như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.
Những dấu hiệu nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay ?
Một trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa ngay khi có một trong những dấu hiệu sau:
- Sốt cao (từ 38,5oC trở lên)
- Ói nhiều
- Giật mình, hốt hoảng
- Run chi
- Yếu liệt tay hoặc chân
Có thể tiêm vắc-xin để phòng bệnh không? Cách phòng bệnh Tay chân miệng?
Cho đến nay thế giới chưa có vắc-xin để phòng ngừa bệnh này. Do bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh nên cách phòng bệnh TCM tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước;
- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh Tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh;
- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho;
- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;
- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.
Cho biết các biện pháp làm sạch đồ chơi cho trẻ?
- Đồ chơi chung:
+ Khử trùng hằng ngày hoặc mỗi buổi
+ Rửa với xà bông, nước và lau bằng khăn sát trùng.
- Đồ chơi rửa được trong nước:
+ Ngâm (nước ấm) với xà phòng, rửa lại bằng nước sạch, hong khô.
+ Hoặc ngâm trong thuốc tẩy (pha loãng 1:50) và hong khô.
+ Hoặc lau bề mặt bằng gạc cồn
- Đồ chơi không rửa được bằng nước: Lau sạch gạc cồn, lưu ý các góc, hốc, chỗ nứt.
Khi trẻ bệnh tay chân miệng thì ăn uống thế nào?
- Vì trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn do đau trong miệng (miệng loét), mệt mỏi, hay quấy khóc cho nên thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn.
- Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi.
- Với trẻ còn bú mẹ, cần cho trẻ bú như bình thường và có thể tăng số lần, thời gian cho bú, vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày (vì trẻ đau miệng), mỗi lần ít một làm sao đủ năng lượng cho trẻ và không làm đau trẻ do các dụng cụ như thìa, ống hút sữa, bình, cốc... đụng chạm vào vết loét ở miệng của trẻ làm trẻ sợ và không dám ăn. Không nên cho trẻ uống nước nóng hoặc lạnh quá làm trẻ đau miệng.
- Khi trẻ dần dần hồi phục và hết các vết loét gây đau đớn trong miệng, nên động viên trẻ ăn như bình thường, không kiêng khem để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ít một làm sao đủ năng lượng cho trẻ và không làm đau trẻ do các dụng cụ như thìa, ống hút sữa, bình, cốc... đụng chạm vào vết loét ở miệng của trẻ làm trẻ sợ và không dám ăn tiếp.
- Khi trẻ dần dần hồi phục và hết các vết loét gây đau đớn trong miệng, nên động viên trẻ ăn như bình thường, không kiêng khem để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Lời khuyên với người chăm sóc trẻ trong phòng chống bệnh tay chân miệng?
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vô cùng quan trọng.
Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày: rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng: Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần chụng bằng nước sôi hoặc dung dịch cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh.
Các hộ gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần thường xuyên: Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc. Không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử khuẩn.
Phân của người bệnh tay chân miệng cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường xung quanh.
Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh tay chân miệng luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.