Nhiều bà mẹ lúng túng không biết chăm sóc như thế nào khi bé yêu bị thủy đậu. Bác sĩ nhi khoa cảnh báo: “Thủy đậu vốn là bệnh lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.
Dưới đây là những lời khuyên để chăm sóc tốt nhất cho bé khi bị thuỷ đậu:
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Khi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.
Nhiều người cho rằng khi bé bị thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ là một sai lầm. Bác sĩ nhi khoa cho biết, có rất nhiều trường hợp do không giữ vệ sinh sạch sẽ khiến trẻ bị biến chứng nhiễm trùng.
Tốt nhất, phải vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách lấy lá ổi, lá đắng rửa sạch, đun sôi để hơi âm ấm, rồi dùng khăn xô mỏng mềm nhúng nước lau người nhẹ nhàng cho trẻ. Cần lưu ý, khi lau, tắm cho trẻ cần phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước, vì nếu nước trong nốt đậu chảy đến đâu là mụn đến đấy, chỉ trong vòng 1 – 2 ngày là lên khắp cả người.
Sau khi lau rửa cho trẻ, lại dùng khăn xô khô thấm khô người cho trẻ, rồi mặc cho trẻ quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát. Nếu được điều trị đúng cách và giữ vệ sinh sạch sẽ, chỉ sau 7 – 10 ngày, nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy rồi vết thâm sẽ hết sau một thời gian, không để lại sẹo.
Cần cách ly người bệnh
Thuỷ đậu rất dễ lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa siêu vi trùng này. Muốn điều trị nhanh chóng, đầu tiên phải cách ly người bệnh. Dù chỉ xuất hiện vài ba nốt đậu cũng phải cách ly với tất cả các trẻ khác, kể cả người lớn chưa bị bệnh này, nếu không nguy cơ lây lan rất nhanh.
Hơn nữa, thường mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần và có miễn dịch dài, nhưng nếu sức đề kháng yếu có thể bị tái phát khi có dịch, vì vậy, dù con bạn đã từng bị thuỷ đậu, cũng nên lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị để tránh nguy cơ tái phát.
Cần vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ. Cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm thấp và cần nhớ luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhắc trẻ không được gãi vỡ nốt đậu.
Điều trị cho trẻ bị thủy đậu
Trong trường hợp trẻ chỉ bị loét vài nốt mụn, có thể dùng nước ôxy già rửa vết loét rồi dùng bông chấm khô nhưng cần lưu ý, cho bệnh phẩm vào túi nilon bọc kín để tránh lây bệnh cho người khác. Sau đó, bôi thuốc đúng vào giữa nốt đậu (tuy nhiên, có nhiều loại thuốc phù hợp với từng thể bệnh nặng hay nhẹ, do đó, muốn cho trẻ uống hay bôi loại thuốc gì cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa). Trong quá trình điều trị cha mẹ cần theo dõi kỹ, kịp thời đưa trẻ nhập viện ngay khi có biến chứng.
Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn.
Cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng
Trong suốt thời kỳ bị bệnh, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu, không nhất thiết phải kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó.
Đặc biệt, nên cho trẻ ăn đồ loãng, uống nước canh gà, uống nhiều nước để bù nước do trẻ bị mất nước khi mụn vỡ, trợt.
Các lỗi cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Khi con bị thủy đậu, bố mẹ vẫn thường mắc các lỗi sau:
1. Kiêng quá kỹ gió, nước
Để thủy đậu không lây lan hoặc đề phòng biến chứng, nhiều bố mẹ đã kiêng thật kỹ gió, nước nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Theo Bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), trẻ vẫn cần được tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng phải đun nước ấm, tắm nhanh hơn trẻ khỏe mạnh, giữ ấm cơ thể, chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường sức đề kháng.
Thực tế có trẻ vì kiêng quá kỹ dẫn đến nhiễm trùng ở các vết mụn nước (do ngứa, gãi nhiều dẫn đến xước, các mụn nước bong vẩy sớm). Trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, virus tấn công vào bên trong cơ thể qua chỗ da xước, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
2. Bôi tràn lan Xanh methylen khắp người
Khi thấy con bị thủy đậu, không cần tư vấn của bác sĩ, nhiều bố mẹ nghĩ ngay đến việc bôi thuốc Xanh methylen chi chít cho con vào các nốt phỏng. Có người còn chọc cho nốt phỏng vỡ ra và bôi thuốc vào để “diệt tận gốc”. Tuy nhiên, khi nốt phỏng chưa vỡ, bôi thuốc là không cần thiết, trẻ không thích vì nhem nhuốc, thậm chí còn gãi thêm. Chỉ khi nốt phỏng vỡ, chấm trực tiếp thuốc Xanh methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh.
Theo BS Trần Văn Học – Bệnh viện Nhi Trung ương, chú ý không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin, thuốc đỏ hay nghệ tươi. Ngoài ra, cũng không nên chọc nốt phỏng ra vì không có tác dụng gì, nếu không bị nhiễm trùng thì vết xước nhỏ trên da sẽ tự khỏi và không để lại sẹo.
3. Tắm lá vô tội vạ
Theo các chuyên gia, bố mẹ cần thận trọng khi mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi bởi da em bé (nhất là trẻ sơ sinh) rất mỏng, dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng da sẽ để lại sẹo xấu, nặng nữa là nhiễm trùng huyết, trầm trọng hơn thì gặp biến chứng vào phổi.
Các loại lá do mọc ở bờ bụi, bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn là rất cao.
Các bác sĩ cho rằng, việc cho con tắm lá hay uống thuốc chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau. Bố mẹ phải tắm rửa bằng xà bông như bình thường, rửa tay hằng ngày cho trẻ.
4. Không cách ly trẻ
Thủy đậu là bệnh lây lan rất nhanh, ngay trong thời kỳ ủ bệnh, tức trước khi có ban xuất hiện đã có thể lây bệnh cho người khác. Bệnh lây mạnh nhất vào thời điểm trước sốt 4 ngày và sau sốt 4 ngày.
Vì thế, cần cách ly trẻ với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của con cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng hay là ủi.
5. Nghĩ nốt phỏng nổi càng nhiều càng tốt
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) cho biết: Nhiều bố mẹ cho rằng để bé nổi bóng nước càng nhiều càng tốt, trong khi bệnh này bóng nước nổi càng ít càng tốt và phải điều trị sớm để bóng nước không nổi nhiều. Người lớn cần hiểu sức đề kháng của trẻ tốt thì mới không bị nổi nhiều.
Nếu thấy nốt phỏng dạng nước đục chứ không có màu trong có nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn hoặc thấy trẻ ho, sốt tăng trở lại mệt hơn, đau đầu, nôn, trẻ chậm chạp hơn… thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện. Rất có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như: Viêm da, viêm phổi, viêm não-màng não.
Các mẹ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách
(Mẹ bé Jin): Các chị ơi, ông xã nhà em không hiểu lôi từ đâu về nhà cái bệnh thuỷ đậu, kết quả là mẩn ngứa đầy mình kèm theo các mụn nưóc. Nhưng lo nhất là nhỡ lây sang cu tí, cu tí nhà em mới chỉ 4 tháng thôi, chưa tiêm phòng được. Sáng nay tự nhiên thấy cu tí nổi lên mấy nốt đỏ, không phải mụn nước mà chỉ là vết đỏ có đầu nhỏ như đầu kim thôi, em lo quá chẳng biết có phải bị lây thuỷ đậu chưa? Chị nào có kinh nghiệm chỉ giúp cho em. Em phải làm gì để phòng ngừa cho cu tí đây, em đã phải bắt ông xã cách ly không cho gần con rồi nhưng vẫn lo lắm, bệnh thuỷ đậu là dễ lây phải không? Nếu bị rồi thì bôi thuốc gì cho bé bi giờ, em mới chỉ bôi xanh Metylen thôi. Giúp em với nhé.
(Mẹ bé Minh Anh): Hai bé nhà mình đều đã bị thuỷ đậu, nên mình có chút ít kinh nghiệm về vấn đề này:
Tốt nhất là dùng thuốc nam để chữa. Ra hàng lá, mua lá cỏ xước (lá chân vịt) về nấu nước, rửa ráy cho bé, mỗi ngày 1-2 lần. Chú ý, dùng nước sôi để nguội, nêu không dễ gây nhiễm trùng cho bé. Nếu không kiêng kỹ, bé tiêu chảy, có nghĩa là bệnh đã bắt đầu biến chứng vào trong, cần dùng thuốc bắc để trị cho tiệt nọc.
Tuyệt đối không được kiêng nước – vì bệnh này nếu để bẩn thỉu càng dễ bị nhiễm trùng gây biến chứng. Lưu ý luôn dùng nước đun sôi để nguội pha với nước lá để vệ sinh/rửa ráy.
Mình nhớ hồi có dịch, con mình chỉ sau 1 tuần là khỏi. Có 1 chị ở ngõ bên, vì kiêng không tắm cho con, 10 ngày sau bé vẫn còn chi chít nốt, tiêu chảy và rất đau đớn.
(Mẹ bé Gon): Chữa sẹo thuỷ đậu thế nào bây giờ các mẹ ơi!
Bé nhà em được 8 tháng thì bị dính thuỷ đậu ở đâu không biết nữa. Chỉ 1 ngày là lây lan khắp người rất nhanh, mẹ bé hoảng quá cho bé đi khám thì được kế đơn là tắm lá chân vịt và bôi Xanh metylen. Mẹ bé đã làm như vậy mà không giảm. Các nốt ngày càng nhiều và bé sốt cao. Mẹ bé lại cho đi khám lần 2 và dùng đến kháng sinh thì bé khỏi nhưng đã 2 tuấn trôi qua rồi mà các nốt sẹo thâm của thuỷ đậu không thèm biến đi mà mẹ bé nghe nói sau này chúng sẽ tự bay hết, liệu có phải thế không hay là làm cách nào để nó hết bây giờ nhỉ? Ai có kinh nghiệm gì mách giùm mẹ bé với, chứ nhìn bé người đầy “vết tích” thấy thương quá…
(Mẹ bé Khoai): Mẹ nó đã cho con đi khám chưa? Bé nhà mình lên thủy đậu, bác sĩ khám họng cũng có nốt đậu trong họng nên cho uống kháng sinh (kê 10 ngày lận), rồi bôi thuốc (Xanh Metylen). Bác sĩ dặn thêm là mua lá chân vịt về đun lấy nước tắm cho con, kiêng tắm nước lã (phải tắm nước chín) vì nốt thủy đậu dễ nhiễm trùng nguy hiểm và gây sẹo xấu sau khi khỏi. Sau khi bé nhà mình se các nốt đậu trên người thì mình bôi Contratubex (gọi là thuốc liền sẹo), mua ở hiệu thuốc. Bạn bảo bé há họng ra xem là biết ngay có nổi nốt đậu trong miệng không. Khổ nhất vẫn là lúc bé bị những nốt đậu hành hạ, thương lắm. Chúc bé mau khỏe.
(Mẹ bé Tim): Các mẹ này, đang mùa thủy đậu đấy , khu tòa nhà mình ở cũng nhiều bé bị, rồi ở lớp và trường mẫu giáo các cháu cũng phải nghỉ học nhiều vì thủy đậu. Mình mới cho con trai đi khám hôm qua ở viện da liễu, đến viện cũng thấy đông nghịt các cháu bị bệnh này. Đây là đơn thuốc và hướng dẫn của bác sỹ cho bé nhà mình, mình share với các mẹ để cùng chữa bệnh cho con:
1- Mỡ Fudikin 10g (tuýp) : Bôi ngày 2 lần vào sáng,tối
2- Stanvilax 200mg (14 viên) : Uống ngày 2 lần : mỗi lần 1 vào sáng, tối
3- Orahinil D6ml : Uống ngày 1 lần : mỗi lần 5ml vào buổi tối
4- Rửa bằng nước chín với chè xanh : sáng, tối
Bác sĩ không kê thuốc bôi Xanh metilen cho con mình các mẹ ạ. Bắt đầu dùng thuốc từ hôm qua, mình thấy những mụn nước trên người bé nhà mình bắt đầu se miệng rồi. Hy vọng là không bị lan khắp người.
(Mẹ bé Ruby): Chia sẻ kinh nghiệm với mẹ nó. Tết năm ngoái con mình cũng bị. Chỉ chăm sóc theo cách sau: Cháu chỉ uống mỗi thuốc bổ Vitamin C để tăng sức đề kháng và bôi Xanh metylen thui . Mình cho cháu đi khám ở viện nhi. Nên cho cháu tắm nhưng tắm phải nhanh, nên tắm nước chè xanh và đừng dùng khăn chà sát lên người cháu vì sẽ động vào các nốt đậu mà gây vỡ sẽ lây ra chỗ khác. Sau khi tắm lấy khăn thấm nước nhẹ, nhớ là không chà sát. bình thường ngày 3 lần dùng khăn xô thấm các nốt cho bé bằng nước vô trùng rồi bôi xanhmetylen vào. lưu ý không được dùng chung khăn thấm nốt đã vỡ với nốt chưa vỡ