Chúng ta thường chỉ nghe đến chuyện thừa cholesterol chứ ít nghe chuyện thiếu, nhưng thực tế chúng ta còn có rất nhiều điều hiểu lầm về cholesterol.
Một nghiên cứu do các chuyên gia tại đại học Indiana thực hiện với gần 7.000 người đã phân tích mối quan hệ giữa cholesterol tốt HDL và bệnh mạch vành, và đưa ra kết luận rằng việc có lượng HDL trong cơ thể thấp đứng hàng thứ 3 trong số những yếu tố nguy cơ gây bệnh lớn nhất. Bác sỹ Wood, tác giả cuốn sách Thông Thái Từ Tim còn cho hay, “Nếu người trẻ bị đau tim, tôi gần như có thể khẳng định họ có lượng HDL thấp!”
Hầu hết chúng ta đều chỉ nghe đến những trường hợp thừa cholesterol chứ ít nghe đến chuyện thiếu, và tác hại của nó, nhưng thực tế, những chuyện như ở trên vẫn đang xảy ra. Không chỉ vậy, chúng ta còn có rất nhiều điều chưa biết, hoặc hiểu lầm về cholesterol, chẳng hạn như:
Cholesterol là cực xấu!
Có hai nguồn sinh cholesterol, một là do hấp thụ từ bên ngoài, và một là do cơ thể tự sản xuất ra - lượng cholesterol này rất cần thiết cho các hoạt động sống quan trọng như tạo cấu trúc màng tế bào, giúp hấp thụ các vitamin, tạo ra vitamin D và các hormone, giúp tiêu hóa thức ăn…
Tuy nhiên, do cơ thể đã tự sản xuất cholesterol nên nếu bạn không chú ý trong ăn uống và vận động, tình trạng thừa cholesterol rất dễ xảy ra. Khi này, các mảng bám sẽ hình thành và phát triển ở thành động mạch, có thể dẫn đến các tình trạng như cục máu đông, mảng bám động mạch, xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ…
Bên cạnh đó, cũng rất cần phân biệt hai loại cholesterol: xấu là LDL, và tốt là HDL được nhắc đến ở trên. Trong khi LDL gây hại cho cơ thể thì HDL có công dụng hoàn toàn ngược lại: chống viêm nhiễm, chống huyết khối, bảo vệ thành mạch máu, loại bỏ LDL khỏi thành mạch và đưa chúng về gan... Thừa cholesterol như chúng ta vẫn nói, thực tế là thừa cholesterol LDL, và cũng là thiếu cholesterol HDL.
Bị cholesterol cao là do thực phẩm!
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng cholesterol cao, hay thừa cholesterol, như do di truyền, bị bệnh, thói quen sống không lành mạnh… nên không thể khẳng định những người bị cholesterol cao là do ăn uống không đúng.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng việc lựa chọn thực phẩm đóng vai trò không nhỏ. Nhiều người đã biết và tránh ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như các chế phẩm sữa, thịt, nội tạng động vật… Nhưng có một điều còn ít người biết đó là không phải tất cả cholesterol trong thực phẩm đều sẽ trực tiếp bị hấp thu và trở thành cholesterol xấu trong máu, lượng này hoàn toàn không thể so được với lượng do gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa, chuyển hóa.
Mọi người đều nên có lượng cholesterol như nhau!
Lượng cholesterol trong cơ thể chúng ta nên ở mức bao nhiêu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiền sử sức khỏe bản thân và các thói quen sinh hoạt. Chuyên gia khuyên mọi người bình thường nên giữ lượng LDL dưới mức 129 mg/dl, nếu bản thân có nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, bị tác động di truyền hoặc có những thói quen xấu như hút thuốc… thì nên giữ LDL ở mức dưới 100, thậm chí là dưới 70 mg/dL.
Ngược lại, HDL nên ở mức trên 60 mg/dl.
Cách tốt nhất để giảm lượng LDL, tăng HDL và có mức cholesterol chung lành mạnh là tăng cường vận động và có chế độ ăn hợp lý, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Chỉ người lớn mới bị cholesterol cao!
Hãy quan tâm hơn đến con mình, bạn nhé, vì trẻ con vẫn có thể bị cholesterol cao nếu chức năng gan không tốt, không thể loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi cơ thể. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu thấy rằng chứng xơ vữa động mạch đã có thể bắt đầu xuất hiện ngay khi một người mới được 8 tuổi. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ còn khuyên các bậc phụ huynh nếu có con bị thừa cân, huyết áp cao, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim nên đưa bé đi kiểm tra cholesterol ngay từ khi mới 2 tuổi. Và sau đó, các bé bị xác định cholesterol cao cần tuân theo chế độ ăn hạn chế chất béo xấu, tăng cường rau trái và vận động.
Sức khỏe của mỗi người luôn quý giá, nên ai cũng cần tìm hiểu những điều cơ bản, thiết thực, dẹp bỏ ngay những hiểu nhầm thay vì để sai lại càng sai, đến mức không còn có thể sửa chữa nữa, bạn nhé!