Trước tình huống này, để trị triệt để tính bướng bỉnh của trẻ, cha mẹ đừng quên tham khảo những cách sau.
1. Kiên nhẫn lắng nghe yêu cầu của trẻ
Sở dĩ trẻ bướng bỉnh vì những yêu cầu của trẻ không được đáp trả hoặc trước đó cha mẹ quá nuông chiều khiến trẻ trở nên mè nheo, thích đòi hỏi và khi không đạt được mục đích trẻ tỏ thái độ không hài lòng như khóc lóc, ăn vạ. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, cha mẹ cũng cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến và yêu cầu của trẻ.
Việc quát mắng trẻ lúc này chẳng khác “thêm dầu vào lửa” vì trẻ nhỏ chưa hiểu chuyện nên nghĩ cha mẹ không thương mình và càng khóc to hơn. Cha mẹ hãy bắt đầu trò chuyện với con bằng giọng nói trầm, âm lớn nhưng nhẹ nhàng nhất như: “Điều gì đã làm con khó chịu như vậy? “Con đang gặp rắc rối gì hãy nói cho mẹ/bố nghe nào”. Hãy ngồi xuống, nhìn vào mắt trẻ và nói chuyện để hiểu được câu chuyện của con và tạo sự tin tưởng cho con.
2. Đừng vội vàng phớt lờ con
Rất nhiều cha mẹ gặp áp lực với việc con mè nheo, không nghe lời và cách duy nhất là họ phớt lờ mọi đòi hỏi của đứa trẻ đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giáo dục trẻ em, việc phớt lờ đôi khi không tạo được hiệu quả trong nhiều tình huống con mè nheo, đòi hỏi. Vì điều đó có thể khiến trẻ bị tủi thân, tổn thương tinh thần.
Chúng ta có thể lựa chọn cách chia sẻ với con và đáp ứng những yêu cầu thỏa đáng hoặc không đáp ứng những nhu cầu không thỏa đáng. Tuy nhiên, cần có sự giao tiếp với con để con biết mình có được cha mẹ đáp ứng nhu cầu đó không.
Ví dụ:
– Mẹ con muốn ăn kẹo.
– Hôm qua con vừa ăn rồi mà.
– Nhưng hôm nay con muốn ăn nữa.
– Không con yêu, hôm nay chúng ta sẽ không ăn kẹo mà ăn trái cây.
– Nhưng con muốn ăn kẹo… (bắt đầu khóc)
– Không con yêu, hôm nay chúng ta ăn trái cây.
Dù trẻ muốn ăn trái cây hay không, mẹ hãy khẳng định lập trường của mình là ăn trái cây. Hãy phớt lờ từ “kẹo” đi và không thỏa thuận từ “kẹo” với trẻ. Việc trả lời con và khẳng định quan điểm của mình sẽ giúp trẻ hiểu rằng, trẻ không có cách nào có thể mè nheo và thay đổi được quan điểm của cha mẹ.
3. Luôn khen con khi con làm tốt điều gì đó
Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng, những việc con làm đúng là điều hiển nhiên nên không cần tỏ thái độ khen ngợi. Hoặc một số khác lại cho rằng, khen trẻ chỉ khiến trẻ hư thêm. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm có thể khiến con thiếu đi sự cố gắng và cảm thấy bị tổn thương. Khen con đúng lúc, đúng chỗ không chỉ khiến con vui vẻ mà còn tạo thêm nhiều động lực cho con làm những điều tốt khác.
Ngay cả một đứa trẻ vốn bị mọi người quy kết là bướng bỉnh cũng rất cần những lời động viên tin tưởng từ cha mẹ. Các mẹ hãy dùng tông giọng cao, vui vẻ để khen ngợi con.
4. Không thúc ép trẻ làm điều trẻ không muốn
Một vấn đề rất đơn giản như chuyện ăn uống. Ăn uống của đứa trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng quan tâm hàng đầu. Trẻ phải ăn thật nhiều thì cha mẹ mới hài lòng và không thúc ép. Nếu đứa trẻ ăn ít, chắc chắn chúng sẽ bị bố mẹ la mắng và ép ăn. Việc thúc ép trẻ làm điều mình không muốn chỉ đem lại hậu quả xấu trong tính cách của trẻ.
Trẻ sẽ càng trở nên lì lợm, khó bảo hơn cũng giống như trẻ sợ ăn, biếng ăn và chống đối việc ăn uống nhiều hơn.
Những điều trẻ không thích, cha mẹ hãy tôn trọng. Hãy quan sát và theo dõi những hành động, trạng thái tình cảm của con để từ từ chấn chỉnh thay vì ép con thay đổi ngay lúc đó.
5. Không dùng roi vọt đe dọa con
Đánh trẻ chưa bao giờ được coi là cách dạy con hiệu quả, nó chỉ khiến đứa trẻ lì đòn mà thôi. Đôi khi lời nói còn có trọng lượng hơn cả roi vọt.
Có rất nhiều biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục và giúp con hướng thiện hơn thay vì roi vọt. Cha mẹ có thể sử dụng hình phạt bằng việc cắt giảm tiền tiêu vặt ở trẻ, yêu cầu trẻ dọn nhà vệ sinh một tuần… Điều quan trọng hơn cả, cha mẹ cần nghiêm khắc và thực hiện đúng hình phạt mình đưa ra và không thỏa thuận với trẻ khi đã tuyên bố phạt.