Dù gầy hay béo con bạn vẫn có thể suy dinh dưỡng nhất là trong giai đoạn 6-24 tháng tuổi. Làm thế nào để cha mẹ nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ?
Chuẩn cân nặng trẻ dưới 5 tuổi
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Muốn biết trẻ suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ.
“Thông thường khi trẻ một tuổi, cân nặng lúc này của bé trai là 9,6 kg, ở bé gái là 8,9 kg. Nếu thấy 2-3 tháng liền trẻ không tăng cân, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân bởi nếu để lâu, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Theo đó, bố mẹ có thể căn cứ vào bảng tiêu chuẩn phát triển cân nặng cho trẻ dưới 5 tuổi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra dưới đây, cập nhật gần nhất vào năm 2006. Tương ứng với mỗi tháng tuổi là chỉ số về cân nặng, tính theo kg, bảng dành cho bé trai và bé gái khác nhau. Nếu con bạn ở trong ngưỡng từ -2SD đến +2SD là bình thường. Dưới -2SD là suy dinh dưỡng.
|
Chuẩn cân nặng của bé gái dưới 5 tuổi
|
|
Chuẩn cân nặng bé trai dưới 5 tuổi theo tiêu chuẩn WHO cập nhật năm 2006 |
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
Suy dinh dưỡng độ 1: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
Suy dinh dưỡng độ 2: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
Suy dinh dưỡng độ 3: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
Với suy dinh dưỡng độ 1 và 2, bố mẹ có thể điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc. Riêng với suy dinh dưỡng thể nặng hơn, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện hoặc có sự tư vấn của bác sĩ.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng
Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất trong khoảng thời gian từ 6-24 tháng tuổi. Bởi thời điểm này, trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật, nhất là những bé không được bú sữa mẹ hoặc sinh nhẹ cân.
Tuy nhiên, nhiều người sai lầm khi không thường xuyên theo dõi cân nặng, thể trạng của trẻ. Mặc dù, trẻ vẫn vui chơi bình thường nhưng vẫn có thể bị suy dinh dưỡng.
“Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu như không lên cân hoặc giảm cân, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo, da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu, ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chậm phát triển vận động, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay buồn bực, kém linh hoạt, bố mẹ nên nghĩ đến khả năng suy dinh dưỡng và sớm điều trị trước khi trẻ gặp thể nặng hơn”, tiến sĩ Hưng cho hay.
Về nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, chuyên gia này cho hay dinh dưỡng sai cách chiếm đa số. Yếu tố này quyết định tới 37% sự phát triển chiều cao, cân nặng, thể chất của trẻ, hơn cả tính di truyền.
Theo đó, chế độ ăn cho trẻ thường không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Lượng thịt, dầu mỡ không cân đối. Trẻ không uống được sữa, hoặc sữa mẹ loãng cũng gây thiếu chất. Ngoài ra, nếu trẻ hay bị ốm, rối loạn tiêu hóa sẽ làm ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng.