Hiện không ghi nhận ổ dịch viêm não virus tại các địa phương khác tuy nhiên vẫn ghi nhận rải rác các mắc nhập viện, có tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh diễn biến cấp tính, đồng thời phụ thuộc kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế; tình trạng trẻ đến cơ sở y tế muộn. Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cũng ghi nhận ca tử vong do viêm não. Bệnh viện tuyến dưới không chẩn đoán đươc, chỉ điều trị viêm phế quản do bé ho, sốt. Đến khi gia đình đưa bé lên tuyến trên thì bệnh đã nặng, sau 4 ngày bé không qua khỏi.
Trên cả nước số ca mắc viêm não do virus từ đầu năm đến nay giảm 42% so với cùng kỳ năm 2015. Viêm não là một bệnh khá nguy hiểm với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém. Bệnh đang vào mùa nên cha mẹ cần nâng cao cảnh giác.
Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản, nhưng hiện ít gặp vì trẻ đã được tiêm phòng khá đầy đủ. Viêm não Nhật Bản B là bệnh có diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Virus này từng là nguyên nhân của 15-20% ở trẻ mắc viêm não, hiện đã giảm còn 8-10% sau khi triển khai văcxin trong tiêm chủng mở rộng.
Nhóm nguyên nhân thứ hai khá phổ biến là do các virus đường ruột, bệnh diễn biến bất thường, có trường hợp nhẹ, sau một tuần khỏi bệnh mà không để lại di chứng gì. Ngược lại có trẻ lại diễn biến nặng, tử vong rất nhanh. Nhóm virus này hiện chưa có văcxin phòng. Ngoài ra, trẻ bị viêm não, màng não có thể là biến chứng của các bệnh truyền nhiễm thường gặp như thủy đậu, quai bị...
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu. Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.
Trường hợp nặng bé co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Cụ thể: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Phòng tránh nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.