Vừa qua chúng ta chứng kiến câu chuyện xúc động của người mẹ đau khổ trước sự ra đi của người con trai yêu quý. Đó là câu chuyện của chị N.T.P.. Những ngày này, chị đang phải chịu mất mát quá lớn sau sự ra đi của đứa con trai chỉ mới 4 tuổi. Bé được bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán bị virus lạ tấn công toàn cơ thể dẫn đến tổn thương cơ tim.
Theo lời tâm sự của người mẹ đầu tiên là con có triệu chứng cảm lạnh không sốt nhưng mệt đưa vào viện xét nghiệm máu và nước tiểu nhưng không tìm ra bệnh. Bác sĩ bảo con bị sốt virus triệu chứng giảm nhiệt. Theo kết quả xét nghiệm, chỉ số bội nhiễm của con là 3,575,000 trong khi người bình thường chỉ số dưới 24.
Sốt không rõ nguyên nhân rất nguy hiểm
Theo BS Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Nông nghiệp phân tích: Bội là nhiều, nhiễm là nhiễm trùng, lây sang, thấm vào. Có thể hiểu bội nhiễm là ngoài bệnh lý chính, người bệnh còn nhiễm thêm một hay nhiều vi trùng, vi khuẩn hay virus khác trên bệnh lý nền.
Những người có nguy cơ dẫn đến bội nhiễm bao gồm người bị nhiễm HIV, người suy giảm miễn dịch, người già, người mắc tiền sử một bệnh nào đỏ, trẻ nhỏ sốt không rõ nguyên nhân…
Đối với những trẻ bị sốt virus cũng có thể dẫn đến bội nhiễm. Sốt virus là bệnh thường gặp nhưng rất nguy hiểm, dễ dẫn sốt bội nhiễm và để lại nhiều biến chứng xấu vì ngoài việc bị sốt virus, do cách chăm sóc hoặc điều trị chưa đúng cách, người bệnh có thể bị nhiễm một căn bệnh khác trên nền của sốt virus như nhiễm khuẩn, các chứng về hô hấp, viêm phổi, viêm não…
Ngoài ra ở trẻ nhỏ bị nhỏ hăm da cũng có thể dẫn đến bội nhiễm, bởi khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến hăm da nguyên nhân chủ yếu là vùng quanh hậu môn tiếp xúc thường xuyên với các chất kích thích da. Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần không được chăm sóc, vệ sinh thích hợp, da vùng này sẽ bị ẩm ướt thường xuyên bởi phân và nước tiểu. Sự hiện diện của các men đường ruột, vi sinh vật có trong phân và ammoniac có trong nước tiểu sẽ gây kích thích da, gây viêm cấp tính, làm da bị đỏ lên, gây hăm, loét.
Hăm da bội nhiễm xảy ra khi vùng hăm bị trầy loét, có mủ. Lúc này thường có dấu hiệu toàn thân sốt cao, có khi nơi hăm da trở thành ổ mủ kéo dài cả tháng. Hăm da lan rộng xuất hiện khi tổn thương lan ra 2 bên bẹn và bộ phận sinh dục ngoài; da bị đỏ loét, chảy nước, đỏ vùng bộ phận sinh dục ngoài; thường kèm theo biến chứng nhiễm trùng tiểu làm trẻ tiểu đau, tiểu khó, gây sốt kéo dài.
Những kiểu sốt ở trẻ do nhiễm vi trùng như sốt do cảm cúm, sốt do viêm phổi, viêm tai giữa, sốt phát ban, sốt xuất huyết, sởi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm màng não… cũng có thể phát triển thành bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách.
Có nhiều bệnh có dấu hiệu rất đơn giản nhưng nếu bố mẹ không để ý dẫn đến con bị bội nhiễm - tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa
Phòng tránh bị bội nhiễm
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Trẻ bị sốt virus thường khỏi bệnh trong 7 ngày, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm rất dễ bị biến chứng.
Nếu lỡ bị sốt virus, người bệnh nên tránh dẫn đến bội nhiễm bằng cách vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm trong phòng kín, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9% tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
Để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân virus, vi khuẩn đang phát triển mạnh cần tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Cần ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, tăng cường ăn và uống nước hoa quả, đây là một yếu tố quan trọng nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể giúp lui bệnh nhanh hơn.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn.
Không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau cho trẻ. Khi trẻ nóng sốt nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Khi sốt cao gây nên tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải, nên có biện pháp bù lại lượng nước và điện giải đã mất bằng oresol, cháo muối loãng, nước cam, chanh...
Đối với trẻ em có tiền sử co giật, nếu trẻ bị co giật thì cần phải cởi bỏ quần áo, lau mát và sử dụng thuốc hạ sốt qua đường hậu môn. Cần đến ngay bệnh viện điều trị kịp thời, không để suy hô hấp nặng mới đi cấp cứu.
Đối với sốt virus dễ gây thành dịch, rất nguy hiểm nhất là ở trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Khi trở thành sốt virus bội nhiễm, mức độ nguy hiểm và khó chữa của bệnh càng tăng cao, không thể coi thường hoặc lơ là.