Thử nghiệm do các nhà nghiên cứu Israel thực hiện trên 36 trẻ, tiến hành trong 10 phút, kết quả đăng trên tạp chí Current Biology. Người ta gắn các ống đỏ có tỏa mùi thơm (hoa hồng) hoặc thối (cá ươn) lên mũi trẻ, trong khi một ống màu xanh khác ghi lại sự thay đổi mô hình hơi thở của các em. Kết quả là hơi thở của trẻ bình thường rất khác biệt khi ngửi thấy các mùi này, còn trẻ tự kỷ không hề có sự thay đổi nào - chúng ngửi mùi dầu thơm y như khi ngửi mùi cá ươn.

Nhóm nghiên cứu của Liron Rozenkrantz từ Viện khoa học Weizmann đã phát triển một phần mềm có thể phát hiện tự kỷ trong nhóm trẻ này với độ chính xác là 81%. Họ cũng chỉ ra rằng triệu chứng tự kỷ càng nghiêm trọng, trẻ càng ngửi mùi thối lâu hơn.

ngui-9647-1435981254.jpg?w=900

Ảnh: ifreepress.

Thông thường trẻ chỉ được chẩn đoán hội chứng tự kỷ khi đã lên 2 tuổi. Thời gian phát hiện muộn như vậy khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Các tác giả nghiên cứu cho rằng lợi thế của phép thử khứu giác này là nó không phụ thuộc vào việc trẻ có thể giao tiếp được hay chưa, và vì thế sẽ có ích trong giai đoạn rất sớm. Tuy vậy để có thể sử dụng như là một cách chẩn đoán, họ cần biết rõ hơn về lứa tuổi trẻ bắt đầu có phản ứng khác nhau trước các mùi vị.

Hiệp hội tự kỷ quốc gia Anh cho rằng có thể mùi sẽ trở thành một công cụ để kiểm tra xem trẻ có mắc hội chứng tự kỷ hay không. Tự kỷ là hội chứng rối loạn hành vi, giao tiếp và tương tác xã hội, ảnh hưởng đến khoảng một trong mỗi 160 trẻ trên toàn cầu.