Theo tác giả Vardigan (Healthday - Mỹ), những bậc cha mẹ có thể bị coi là đã lạm dụng con cái của mình nếu làm bất kỳ điều nào sau đây:
1. Đó là khi bạn gọi tên, coi thường, chửi thề, lăng mạ con cái. Ví dụ những lời như: Mày thật ngu ngốc. Mày là đứa vô dụng.
2. Những lời chỉ trích gián tiếp, chẳng hạn như chê bai con bạn với vợ hoặc chồng của bạn, cũng gây tổn thương. Bởi việc bạn không mắng mỏ trực tiếp không có nghĩa là đứa trẻ không nghe thấy và như vậy vẫn có thể khiến cho đứa trẻ cảm thấy đau nhói và tổn thương.
3. Từ chối hoặc đe dọa từ bỏ. Ví dụ những lời như: “Sao tao có thể đẻ ra một đứa con như mày”; “Biết thế tao bóp mũi mày từ lúc mày chưa biết gì”; “Giá như tao không đẻ mày ra”; “Tao nên cho người ta nuôi mày thì hơn”…
4. Những lời mang tính chất đổ lỗi. Ví dụ: “Con là lý do khiến cho gia đình này trở thành một mớ hỗn độn”; “Nếu mẹ (hoặc cha) không phải chăm sóc con, mẹ có thể có một cuộc sống tốt hơn"; "Nếu con không vụng về, em của con đã không bị đau";…Những lời nói kiểu này sẽ khiến cho con bạn nghĩ mình là một người xấu và đáng bị bất hạnh.
5. Nói những lời mỉa mai, đưa ra những nhận xét mang tính chế giễu. Ví dụ như khi con bạn làm đổ nước trái cây lên thảm, bạn nói: “Con thật là thông minh quá đấy!”; Cách nói này có vẻ như để tránh những lời chỉ trích trực tiếp, nhưng con bạn đủ nhận thức để hiểu rằng bạn đang hạ bệ, chê bai chúng.
Cha mẹ cần cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói đối với con trẻ. Ảnh minh họa
6. Cha mẹ lạm dụng nhau bằng lời. Một nghiên cứu tại Đại học Maryland, Hạt Baltimore (Mỹ), đã xác định rằng những đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ của chúng lạm dụng bằng lời nói có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc lo lắng và gặp phải nhiều vấn đề cá nhân hơn. Điều thú vị là nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự gây hấn bằng lời nói giữa cha mẹ gây tổn thương cho trẻ nhiều hơn là bạo lực thể xác giữa cha mẹ.
Có một câu ngạn ngữ nói rằng: "Gậy và đá có thể làm gãy xương của tôi, nhưng những lời ám chỉ sẽ không bao giờ làm tổn thương tôi". Thế nhưng trên thực tế, lời nói lại có sức tàn phá khủng khiếp đối với đứa trẻ, đặc biệt khi người thực hiện nó là cha mẹ, giáo viên hoặc người huấn luyện.
Một lời nói mang tính lạm dụng, xâm hại có thể gây ra chấn thương tình cảm dẫn đến tác hại lâu dài. Trong số những hậu quả nghiêm trọng mà chúng tôi đã nêu ở những bài trước thì tác hại phổ biến nhất, cũng thường thấy nhất đó là làm suy yếu lòng tự trọng của con bạn, làm hỏng khả năng tin tưởng và hình thành các mối quan hệ của nó, và làm mất đi các kỹ năng học tập và xã hội.
Thực tế cho thấy lạm dụng trẻ em bằng lời nói có thể tàn phá về mặt cảm xúc như lạm dụng thể chất và tình dục, và khiến chúng có nhiều nguy cơ mắc trầm cảm và lo lắng.
Theo các chuyên gia, làm cha mẹ là một công việc không hề đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi ở chúng ta một tình yêu bao la rộng lớn, trao đi vô điều kiện mà còn buộc chúng ta phải học những bài học của người trưởng thành.
Một người chưa thực sự trưởng thành, họ chưa thể là một người cha người mẹ tốt. Trưởng thành ở đây là trưởng thành về mặt tri thức, văn hóa và lối sống.