Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng: khi trẻ có cảm giác thèm ăn tự nhiên, trẻ sẽ ăn ngon miệng, cảm giác vui vẻ hơn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Và ngược lại, khi bố mẹ quát mắng, ép trẻ ăn thì sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi cho trẻ.
Hệ quả của việc ép ăn
Nghiên cứu trên 300 gia đình có trẻ từ 2 – 4 tuổi và 7 – 9 tuổi ở Canada cho thấy: trẻ càng bị ép ăn hết phần ăn của mình thì nguy cơ bị rối loạn ăn uống như chán ăn hay ăn quá nhiều dễ dẫn đến béo phì.
Kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng cho trẻ Đông Nam Á cho thấy: Tại Việt Nam, 50% trẻ em bị thiếu dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể bắt nguồn từ việc bố ẹm ép trẻ ăn quá nhiều.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc ép trẻ ăn có thể dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý và hành vi của trẻ. Một số bé sẽ dùng thức ăn để mặc cả với bố mẹ như nôn ói hay có quà mới ăn. Tình trạng kéo dài , trẻ lại tiếp tục hành vi này vào các hoạt động khác của cuộc sống để mặc cả với bố mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ dễ có cảm giác căng thẳng, trầm cảm hoặc hình thành khuynh hướng bạo lực, gây hấn.
Cho trẻ ăn dặm đúng cách
Để việc ăn uống dễ dàng với trẻ, trước hết bố mẹ phải tập cho trẻ ăn dặm đúng cách và phù hợp với lứa tuổi của trẻ.Trẻ cần ăn từ thức ăn loãng rồi đặc dần. Khi cho trẻ thử món mới, mẹ không nên vội vàng mà cần kiên trì cho bé thử từ 7 – 10 lần, từng ít một để trẻ làm quen và phòng trường hợp trẻ bị dị ứng với thức ăn.
Thực đơn phong phú, đủ đầy dinh dưỡng
Đây là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện tình trạng ăn uống cho trẻ, tránh cảm giác nhàm chán, đơn điệu. Mẹ hãy linh hoạt thực đơn ăn uống với nhiều món ngon, nhiều màu sắc, mỗi thứ một ít không cần quá nhiều. Trẻ sẽ hứng thú khám phá món ăn, tâm lý thoải mái trẻ sẽ ăn ngon hơn và dinh dưỡng cung cấp cũng đầy đủ, đảm bảo hơn.
Hòa nhập với bữa cơm gia đình
Mẹ đừng dành cho trẻ một giờ ăn riêng hay khu vực ăn riêng. Hãy để bé ngồi cùng mâm cơm gia đình. Bởi bữa ăn cơm gia đình mang lại cho trẻ cảm giác đầm ấm, vui vẻ và nhờ đó trẻ ăn ngon hơn, nhiều hơn, đồng thời đây cũng là cách giúp trẻ phát triển giác quan và trí não tốt hơn.
Thể dục thể thao
Khi để trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, các hoạt động ngoài trời, cơ thể sẽ đốt cháy một lượng calo dẫn đến cảm giác thèm ăn, đói bụng.
Thay vì các trò chơi điện tử, xem tivi,… mẹ hãy để bé vui đùa, tham gia các hoạt động nhiều hơn. Điều này không những giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng mà còn tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Bổ sung vi chất thiếu hụt
Hệ quả của việc biếng ăn là trẻ bị thiếu dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn. Vì thế, trường hợp bé bị biếng ăn kéo dài, mẹ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng để bù đắp thiếu hụt cho trẻ và tăng cường sức đề kháng, phòng chống suy dinh dưỡng.
Mẹ bổ sung các vi khoáng như canxi, vitamin D, kẽm, magie,… để giúp trẻ phát triển chiều cao cân nặng, tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ.