Sáng đi làm, chị Lý (Ba Đình, Hà Nội) thấy con cô con gái 4 tuổi vẫn bình thường, nhưng đến chiều người giữ trẻ gọi điện báo con sốt hầm hập. Sợ con bị làm sao, chị cho con đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ cho trẻ theo dõi sốt do nắng nóng và dặn cách ly khỏi môi trường nắng nóng. Lý do vì trẻ sốt 39 độ C nhưng mũi họng không có biểu hiện bị viêm hay chảy nước mũi.

Chị Lý cho biết, căn phòng khu tập thể nơi chị nhờ trông con chỉ rộng 20 m2 với 10 đứa trẻ. Trời nóng nhưng người trông trẻ không bật điều hòa vì sợ tốn điện.

kham11-5258-1435763953.jpg?w=900

Mùa hè trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, một số bị sốt do trời quá nóng. Ảnh:N.P.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày vừa qua số trẻ đến khám vì các bệnh lý đường hô hấp vẫn đông, chiếm hơn 50% tổng số trẻ đến khám. Trong đó có nhiều trường hợp ốm sốt do say nóng. Những trẻ này khi đến viện có duy nhất biểu hiện của sốt nên thường chỉ cần cách ly khỏi môi trường nắng nóng là hết.

Say nắng, say nóng là những vấn đề sức khỏe thường gặp vào mùa này. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý hạn chế cho trẻ đi ra ngoài trời nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Đồng thời cha mẹ cần cho con mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống nhiều nước, uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.