Những trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thấp còi
- Trẻ sinh non.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai: trẻ sinh đủ tháng nhưng có cân nặng sơ sinh <2,5kg.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa.
- Trẻ bị còi xương.
- Trẻ được nuôi dưỡng không hợp lý.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ
- Không đảm bảo dinh dưỡng khi mẹ thiếu hoặc mất sữa, bổ sung không đúng về số lượng lẫn chất lượng do thiếu kiến thức dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc bé.
- Bé ốm đau kéo dài do mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, bị biến chứng sau bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…
- Do sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
Cách xác định trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng:
- Không lên cân hoặc giảm cân
- Teo mỡ ở cánh tay, mất hết lớp mỡ dưới da bụng, thịt nhẽo.
- Da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu.
- Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa
- Thể nặng (hiếm gặp): Cơ thể phù hoặc teo đét, có biểu hiện của thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc đến loét giác mạc.
Mẹ cần theo dõi thường xuyên biểu đồ phát triển của bé. Nếu bé không tăng cân trong 2 – 3 tháng liền, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ khám để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi, suy dinh dưỡng được chia làm 3 độ:
- Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
Hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi
- Dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột.
- Phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc, khả năng học hỏi và tiếp thu của bé.
- Trẻ bị thấp còi khi trưởng thành cũng có chiều cao thấp. Phụ nữ khi bé từng suy dinh dưỡng thấp còn có nguy cơ sinh con suy dinh dưỡng thấp còi cao hơn
- Những người bị suy dinh dưỡng thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh, lao động kém hơn so với người bình thường.
Chế độ ăn uống cho trẻ suy dinh dưỡng
Tăng cường thức ăn chứa nhiều chất đạm là một trong những điều cần nhớ khi xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ suy dinh dưỡng
Các bé suy dinh dưỡng thấp còi độ I và độ II có thể được điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc. Trong đó chế độ ăn của bé cần tuân thủ theo những nguyên tắc tẩm bổ cho bé suy dinh dưỡng dưới đây:
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của bé.
- Ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa.
- Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, đặc biệt là kẽm như thịt gà, thịt cóc, con hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển.
- Cho bé ăn nhiều rau xanh quả chín vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như canxi, sắt, kẽm…
- Tăng dầu mỡ trong món ăn của bé vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm.
- Nấu đặc để tránh lượng nước nhiều làm giảm năng lượng của món ăn. Để bé dễ ăn hơn, mẹ có thể dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ nhỏ vào chén bột để làm bột lỏng ra, dễ ăn hơn.
- Tăng số bữa ăn trong ngày lên 5-6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Nếu trong bữa chính bé ăn ít hơn nửa chén thì trong bữa phụ mẹ nên cho bé uống thêm nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, nửa quả chuối… để bé đỡ chán ăn. Không nên ép bé ăn khi bé đã chán, tránh trường hợp bé nôn thức ăn và sợ ăn dẫn tới biếng ăn. Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng cần ăn thêm một bữa tối trước khi đi ngủ.
- Cần cho bé ăn cả xác thực phẩm nên khi chế biến, mẹ chú ý băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của bé. Những thực phẩm như trứng, thịt băm, cá băm, rau cũng nên xắt nhỏ.
- Lưu ý nước trái cây không nên được xem là bữa phụ của bé vì rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm bé “no ngang”, không muốn ăn bữa ăn chính.
Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung cho bé một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
Trên đây là những thông tin mẹ cần biết về suy dinh dưỡng thấp còi ở bé dưới 3 tuổi. Để bé yêu khỏe mạnh, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục bú đến 2 tuổi. Trường hợp mẹ thiếu sữa hoặc không thể cho bé bú, để lựa chọn đúng sữa công thức cho bé, mẹ cần ghi nhớ những dưỡng chất cần có để bé phát triển toàn diện gồm DHA, ARA, Lutein, Taurine, Canxi, Vitamin D, Đạm Whey, Probiotic và FOS. Những dưỡng chất này sẽ giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu, ngăn ngừa táo bón, tăng cân tốt, từ đó phát triển tốt về thể chất lẫn trí tuệ. Chúc bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh nhé!