1. Sốt xuất huyết “càn quét” vì thời tiết thất thường
Thời điểm hiện tại đang là “đỉnh dịch” của sốt xuất huyết với con số thống kê mới nhất của Bộ Y tế tính đến chiều 24/7 cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc bệnh, trong đó 17 người đã chết. Số ca mắc tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, do không khí ẩm ướt, mưa nhiều, sản sinh ra nhiều ổ muỗi gây bệnh nên số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh và diễn biến bất thường.
So với mọi năm, biến chứng hay gặp của sốt xuất huyết năm nay là tình trạng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, suy thận và tổn thương gan.
Muỗi là thủ phạm chính truyền nhiễm sốt suất huyết
Muỗi gây sốt xuất huyết và muỗi thường phân biệt như thế nào?
2. Ngày thứ 4 là thời điểm nguy hiểm nhất
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình (BV Chợ Rẫy) cho biết: “Sốt xuất huyết Dengue thường khởi phát bằng những triệu chứng sốt cao liên tục, từ 39-40 độ C, đau đầu, mệt mỏi.
Biểu hiện xuất huyết có nhiều dạng như xuất huyết dưới da dạng chấm hay dạng mảng. Xuất huyết niêm mạc gây chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, kinh sớm hoặc kinh nguyệt kéo dài…
Xuất huyết dạ dày có biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Xuất huyết não gây triệu chứng li bì, hôn mê, co giật”.
Theo BS Bình, sốt xuất huyết diễn biến trung bình từ 5-7 ngày và qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Thông thường, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, mỏi người, nhức mắc.
Thời gian này không phải là nguy hiểm nhất, bệnh nhân vẫn có thể theo dõi chữa sốt xuất huyết tại nhà, đồng thời uống thuốc hạ sốt và bù nước…
Sau 3 ngày sốt cao, người bệnh dễ bị sốc vào ngày thứ 4
Sang ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước nhưng vì thế sẽ tạo tâm lý chủ quan và cho rằng bệnh sắp khỏi.
Tuy nhiên, chính giai đoạn này mới dễ xảy ra biến chứng, trong đó sốc là dấu hiệu trở nặng thường gặp dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Vì thế, giai đoạn này người bệnh cần được theo dõi sát sao để khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… sẽ được nhập viện điều trị kịp thời.
Cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết
3. Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà thế nào cho đúng?
BS Trịnh Ngọc Bình khuyến cáo mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện gần nhất để khám. Hầu hết những trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (sốt xuất huyết độ nhẹ và trung bình) đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc:
Hạ sốt
Khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5-39 độ C cần uống thuốc hạ sốt có chứa Paracetamol loại đơn chất, với liều lượng cho trẻ là 10-15mg/kg cân nặng, 4-6 giờ/lần; người lớn mỗi lần uống 500 mg-1.000 mg, tối đa không quá 4.000mg/ngày.
Chú ý, tuyệt đối không dùng Aspirin và Ibuprofen vì hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Uống thuốc hạ sốt, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước… là cách hữu hiệu giúp người sốt xuất huyết chóng bình phục
Bên cạnh đó, để hạ nhiệt người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm.
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh cần bổ sung đảm bảo 4 nhóm chất cơ bản, bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Quan trọng nhất là cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, ngoài nước lọc có thể dùng các loại nước trái cây như: cam, chanh, dừa tươi hoặc nước canh, nước cháo, dung dịch bù nước và chất điện giải.
Người nhà nên để bệnh nhân uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.
Lưu ý, các loại thức ăn cần được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu như: cháo, súp, sữa… Ngoài ra, trong thời gian này nên kiêng ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Vệ sinh
Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định việc kiêng tắm, kiêng ăn sẽ giúp người bệnh sốt xuất huyết mau phục hồi. Vì thế khi mắc bệnh cần vệ sinh sạch sẽ, kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp bệnh tiến triển tốt hơn.
Tìm hiểu thêm: Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì và kiêng ăn gì?
4. Lưu ý quan trọng khác
- Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
- Không cạo gió, chích lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng.
- Không tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là do virus nên kháng sinh không có tác dụng điều trị.
- Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà sẽ được bác sĩ hẹn tái khám, cần được làm xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị. Vì vậy, cần tuân thủ tái khám đúng lịch để tránh biến chứng đáng tiếc.