Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khoảng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 20.500 ca mắc sốt xuất huyết - bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền với các biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Số ca mắc bệnh sởi cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017 và Sở Y tế ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, virus cúm A hiện đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước với ít nhất 7 ca tử vong từ đầu năm đến nay do tính chất lây truyền qua đường hô hấp, qua nước bọt hay tiếp xúc với các đồ vật có chứa virus. Chưa kể đến các bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa khác như: viêm tai – mũi – họng, viêm phế quản, viêm phổi,...
Nhận thức rõ nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động lên kế hoạch ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa như:
- Phối hợp với Bộ phận Y tế theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến sức khỏe của từng học sinh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Khi nghi ngờ học sinh có dấu hiệu nhiễm bệnh, thông báo đầy đủ tình hình và để Phụ huynh đón con về để thăm khám tại các cơ sở y tế.
- Đồ dùng, dụng cụ vệ sinh luôn sach sẽ, đảm bảo rác được thu gom đúng quy định.
- Vệ sinh lớp học, hành lang, các bề mặt giá, tủ, kệ, sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang…
- Hấp sấy cốc, thìa, khay cơm,... hàng ngày.
- Mở cửa sổ thông thoáng phòng học mỗi buổi sáng. Nhắc nhở học sinh rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xe bus được vệ sinh tay nắm cửa, sàn và ghế ngồi sạch sẽ, không có mùi khi học sinh lên xe. Đảm bảo mỗi xe có một bình sát khuẩn rửa tay nhanh.
Để đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho học sinh hiệu quả và an toàn trong giai đoạn này, Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm sát sao và phối hợp kịp thời của Quý Phụ huynh trong một một số lưu ý quan trọng sau:
- Khi con có các dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, xuất hiện các nốt ban đỏ bất thường... Phụ huynh thông báo kịp thời cho Nhà trường, cho học sinh nghỉ học và đi khám tại các trung tâm y tế để kiểm tra. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc điều trị bệnh tại nhà và chỉ đưa học sinh trở lại lớp khi hoàn toàn bình phục.
- Chủ động kiểm tra và đưa học sinh đi tiêm vắc xin ngừa một số bệnh giao mùa như: cúm, sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, tả...
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay trước và sau khi ăn, dưới vòi nước sạch và bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.
- Thường xuyên mở cửa để thông thoáng nhà cửa, phòng ốc. Chú trọng công tác vệ sinh sạch sẽ các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày tại nơi ở như: sàn nhà, bàn ghế, tủ kê, tay vịn cầu thang… bằng dung dịch tẩy rửa thông thường để ngăn chặn các nguồn bệnh từ môi trường bên ngoài.
- Ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch, chế biến và bảo quản thức ăn cẩn thận. Tuyệt đối không để học sinh ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không ăn tiết canh, gỏi cá… hay ăn bốc, mút, ngậm đồ vật. Không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, cốc chén với người khác…
- Chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng), dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt hoặc lật úp dụng cụ không chứa nước và tích cực phối hợp trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
BAN GIÁM HIỆU