Ảnh hưởng của RF/EMF và sóng wifi lên người lớn và trẻ nhỏ luôn thu hút sự chú ý của giới khoa học, được nghiên cứu rộng rãi và luôn gây tranh cãi.
Gần đây, khi có thông tin 100 nhà khoa học khẩn cầu Liên Hiệp Quốc cảnh báo về tác động khủng khiếp của điện thoại lên trẻ em, rất nhiều bậc phụ huynh mới giật mình, hoảng hốt. Không chỉ sóng điện thoại, chúng ta còn rất hoang mang về một loại sóng khác cũng đang tồn tại không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, là sóng wifi.
Một số bố mẹ vội vàng tìm hiểu thì thấy sóng này thuộc trường điện từ tần sóng vô tuyến RF/EMF, quả thật bị Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO) coi là tác nhân gây ung thư nhóm 2B - tức ở mức tiếp xúc nhất định, dưới điều kiện nhất định thì có thể đủ hại để gây bệnh; và hiểu rằng sóng wifi ở mức độ hầu hết mọi người đang sử dụng có thể dẫn đến ung thư - hoặc tự kỷ.
(Ảnh: Internet)
Vào đầu năm 2015, dư luận một lần nữa rộ lên thông tin về một nghiên cứu đề cập lại chuyện liệu tiếp xúc với sóng wifi có thể gây hại cho trẻ nhỏ hay không. Thông tin này được Forbes đăng lại từ nghiên cứu đã đăng trên tạp chí Journal of Microscopy and Ultrastructure - một tạp chí không được phổ biến rộng rãi, với thành viên chủ yếu làm việc tại đại học King Abdulaziz ở Saudi Arabia. Nghiên cứu này, dựa trên phân tích từ những nghiên cứu khác trước đó đã kết luận do có hộp sọ mỏng hơn và các tế bào não dễ hấp thụ hơn nên trẻ nhỏ dễ bị tác động bởi các loại sóng hơn người lớn.
Nhưng không lâu sau đó, nhiều chuyên gia và nghiên cứu liền lên tiếng... phản bác. Chẳng hạn, một nhóm cố vấn độc lập về bức xạ không ion hóa, dẫn đầu là Giáo sư AJ Swerdlow (Viện nghiên cứu Ung thư, Vương quốc Anh) đưa ra một báo cáo chi tiết về RF và nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy rõ ràng “bất kỳ ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của việc tiếp xúc với RF ở dưới mức chuẩn quốc tế chấp nhận”. Thực tế, dù WHO đã chính thức tuyên bố rằng “không có nguy hại nào từ việc tiếp xúc lâu dài ở mức độ thấp với sóng wifi” nhưng ảnh hưởng của RF/EMF và sóng wifi lên người lớn và trẻ nhỏ vẫn luôn là vấn đề thu hút sự chú ý của giới khoa học, được nghiên cứu rộng rãi và luôn gây tranh cãi. Hãy để khoa học tiếp tục nghiên cứu và tranh luận để đưa ra cho chúng ta câu trả lời xác thực cuối cùng.
Trong lúc đó, việc bạn cần làm là đừng quá hoang mang, vì chính Forbes cũng lưu ý nghiên cứu được trích dẫn trên tuy liên hệ việc tiếp xúc RF với ung thư nhưng thừa nhận rằng cần mất trung bình 30 năm để khối u phát triển - có nghĩa rằng mối liên kết (nếu có tồn tại) là không dễ chứng minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đừng tạo cho con bạn thói quen suốt ngày ôm ghì lấy điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử không dây. Kể cả khi chưa được chứng minh là có gây hại cho não bộ hay không thì thói quen này đã cho thấy hiển nhiên nhiều cái hại khác như:
- Khiến trẻ nhỏ dễ bị béo phì do thiếu vận động, và từ bệnh béo phì này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác nghiêm trọng như tiểu đường, bệnh tim mạch..
- Rối loạn khả năng chú ý, nhận thức, sáng tạo, giảm khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi của bản thân...
- Giảm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng như ảnh hưởng xấu đến việc gây dựng và duy trì các mối quan hệ trong đời thực…
Bố mẹ là tấm gương rõ nhất để các con soi vào học hỏi, và thực tế cũng là đối tượng sử dụng mạng wifi nhiều nhất trong nhà, vậy nên ngay từ bây giờ:
- Chính bạn hãy chủ động giảm phụ thuộc vào các thiết bị điện tử không dây khi ở gia đình, dành thời gian cho các hoạt động gắn kết thật. Tắt wifi và các thiết bị điện tử khi đã xong việc và không sử dụng;
- Đừng vì để rảnh tay cho mình mà cho con dùng điện thoại di động, máy tính bảng, laptop… chơi game;
- Khi con đã “quen hơi” với các thiết bị điện tử này, sẽ rất khó để bạn bắt bé phải ngừng ngay lập tức. Khi này, nên chủ động tạo ra các hoạt động vận động ngoài trời hoặc các trò vui cho cả gia đình tham gia và dần dần khiến bé yêu thích những hoạt động giải trí khác không liên quan đến điện tử - wifi nhé.