Trẻ nhiều lần nhập viện trong tháng giao mùa
Ôm cậu con trai xin xắn mới hơn một tuổi trên tay, chị Lê Thị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi xót xa vì trong một tháng mà bé đã phải nhập viện 3 lần vì viêm phế quản phổi.
“Thấy cháu ho, thở khò khè, em vội đưa con đi Bệnh viện Nhi Trung Ương. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản phổi nên phải nằm điều trị 10 ngày. Nhưng chỉ 3 ngày sau khi xuất viện, bé lập tức phải quay trở lại viện vì bệnh trầm trọng hơn. Sau 6 ngày nằm viện, bé đã được cho về nhưng cũng chỉ 3 ngày sau, hai mẹ con lại phải ôm nhau vào viện vì bé tiếp tục bị nặng hơn, phải thở ôxy. Đợt điều trị này đến nay đã được 12 ngày...”, chị Thu Hương chia sẻ.
Tương tự chị Hương, chị Phạm Thị Hà, mẹ bé Phan Anh Thư (12 tháng tuổi) cũng rất khổ sở vì con nhỏ liên tục nhập viện do bệnh hô hấp lúc giao mùa. Chị Hà cho biết: Từ 2/10 đến nay, bé Thư thường xuyên phải ra - vào viện. Lúc đầu, thấy con ho, thở khò khè, chị Hà đưa bé đi khám tư, nhưng rồi lại phải đưa con lên Bệnh viện Xanh Pôn vì bệnh tình không thuyên giảm. Sau 6 ngày nằm viện, tiêm kháng sinh, bé Thư được cho ra viện. Nhưng ngay ngày hôm sau, bé lại vào viện điều trị đến cả tuần vì tiêu chảy. Ra viện chưa được bao lâu thì bé lại bị ho sâu, khó thở nên gia đình vội vào đưa bé cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo thống kê của bệnh viện Nhi Trung Ương, thời điểm giao mùa thu đông, số trẻ đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 3.000 trẻ đến khám; trong đó, số lượng bệnh nhi mắc bệnh bệnh hô hấp chiếm khoảng 50%.
Đa số trẻ mắc bệnh hô hấp giai đoạn đầu, đều có triệu chứng chán ăn, hắt hơi sổ mũi, có thể ho ít, nhưng 3 - 5 ngày sau thì sốt và ho lên, trẻ nhỏ khó thở. Trẻ càng nhỏ thì bệnh diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường lâu, dễ tái phát và phức tạp hơn.
Tại sao trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp tái phát và trầm trọng
Hệ miễn dịch của trẻ con non yếu, trẻ khó thích nghi với biến đối của môi trường là lý do trẻ dễ nhiễm bệnh khi giao mùa. So với người lớn, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Mặc dù trẻ sơ sinh nhận được các kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm đi nhanh chóng khi trẻ qua 6 tháng hoặc bắt đầu ăn dặm. Trẻ nhỏ có lượng tế bào miễn dịch, kháng thể dịch thể thấp hơn người lớn, khả năng hoạt động cũng kém hơn, chưa quen và chưa đủ khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu thì thời tiết giao mùa lại tạo điều kiện cho nhiều loại virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ dễ dàng bị vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp vì đây là cơ quan “cửa ngõ” tiếp xúc với không khí bên ngoài thường xuyên. Trẻ có thể bị bệnh hô hấp từ nhẹ đến nặng như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi – họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi nếu không được phòng tránh bệnh kịp thời.
Thói quen tự điều trị cho con đến khi bệnh nặng mới đi khám của một số cha mẹ cũng khiến trẻ có thể mắc bệnh trầm trọng hơn. Đặc biệt, việc cha mẹ tự ý dùng kháng sinh không tuân theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng không đúng hướng dẫn sử dụng của thuốc, tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tự ý tăng liều sử dụng đều là những sai lầm khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau.
Lưu ý chăm sóc trẻ bị bệnh đường hô hấp để trẻ sớm bình phục và không tái phát
Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chú ý bổ sung nước trái cây và uống đủ nước, một số trường hợp bố mẹ có thể để lâu quên không cho trẻ uống nước.
Mặt khác, cần chú ý vệ sinh thân thể cho bé, tránh nhiễm lạnh do trẻ bị nóng, toát mồ hôi, ướt lưng. Đặc biệt, khi bé ở trong bệnh viện hay đi ra ngoài, tránh tiếp xúc và hít phải nguồn bệnh qua đường hô hấp. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho trẻ trong trường hợp trẻ nghẹt mũi.
Nên cho trẻ ở trong phòng thoáng mát để tránh toát mồ hôi. Trường hợp sử dụng điều hòa thì lưu ý cần hẹn giờ tắt để tránh trẻ bị nhiễm lạnh lúc gần sáng..
Theo dõi diễn tiến bệnh hô hấp ở trẻ sát sao để thông báo với bác sĩ có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.