Không thể phủ nhận, rằng toán học đóng vai trò vô cùng quan trọng và sẽ theo trẻ trong suốt quá trình học tập sau này. Thế nhưng, môn toán với chữ số và công thức “khó nhằn” thường làm trẻ cảm thấy khó khăn khi tiếp cận, hình thành tâm lý “sợ toán”, đặc biệt là những trẻ không có năng khiếu với các môn tự nhiên. Để bé có một khởi đầu tốt đẹp với môn học này, cha mẹ hãy giúp bé cảm thấy hứng thú hơn với việc học toán ngay từ những năm đầu đời bằng những tuyệt chiêu sau đây.
Đánh số cho tất cả mọi thứ
Trẻ sẽ không còn "sợ toán" nếu ngay từ đầu, bé được học mà như chơi.
Cha mẹ có thể dạy con gọi tên các chữ số ngay từ khi bé bắt đầu học nói và giúp bé ghi nhớ bằng cách - tạo ra thật nhiều cơ hội để cùng nhau tập đếm. Khi bé ngồi trong lòng bạn, hãy thử xoa nhẹ bàn tay, bàn chân bé và rủ bé chơi trò “đếm ngón tay (ngón chân)”, khi bé cùng bạn đi siêu thị, hãy gợi ý để bé tự nhặt số táo mẹ cần, hay để bé đếm xem trong xe đẩy hàng có bao nhiêu đồ vật… Bất kì tình huống nào cha mẹ cũng có thể biến thành trò chơi tập đếm cho bé. Việc bé được làm quen với các chữ số trước khi học mẫu giáo có thể phần nào giúp bé có một khởi đầu dễ dàng hơn với môn toán.
Học toán qua ứng dụng điện thoại hoặc chương trình truyền hình
Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kì (AAP), với các bé từ 18 tháng tuổi trở lên, cha mẹ hoàn toàn có thể cho bé tiếp xúc với những chương trình có nội dung giáo dục phù hợp với độ tuổi trong một khoảng thời gian nhất định. Các bài tập đếm và cộng trừ đơn giản trên các ứng dụng cho bé ở độ tuổi này thường được thiết kế sinh động, vui nhộn, có thể giúp bé thích thú hơn khi làm quen với môn toán. Quan trọng hơn hết, với bất kì ứng dụng hoặc chương trình nào, cha mẹ cần kiểm soát được toàn bộ nội dung trước khi để bé tiếp xúc.
Biến môn toán trở thành một trò chơi
Học tập sẽ luôn mang lại niềm vui khi bé cảm thấy nó đơn giản như một trò chơi. Dưới đây là một số trò chơi cha mẹ có thể tham khảo để cùng bé thực hiện tại nhà:
- Sắp xếp bàn ăn: cha mẹ hãy đề nghị bé giúp chuẩn bị bàn ăn cho một số lượng người nhất định. Khi bé đặt bát, đũa, thìa… lên bàn hãy cùng bé đếm thành tiếng cho đến khi số bát, đũa,… tương ứng với số lượng người ăn. Để an toàn cho bé, cha mẹ hãy sử dụng các loại bát, đĩa không vỡ khi đưa cho bé nhé.
- “Lớn hơn và nhỏ hơn”: hãy đề nghị bé cùng xếp tất cả đồ chơi theo thứ tự lớn dần hoặc nhỏ dần, chọn hai món đồ có kích thước khác nhau và hỏi bé xem cái nào lớn hơn, cái nào nhỏ hơn.
- Trò chơi hình khối: Một trong những khái niệm cơ bản của toán học đó là nhận biết các hình khối (vuông, tròn, chữ nhật,…), hãy cùng bé gọi tên các đồ vật xung quanh theo hình khối của chúng (ví dụ như cúc áo - hình tròn, chiếc bàn - hình chữ nhật,…)
Sử dụng những đồ chơi toán học truyền thống
Với bàn tính truyền thống, bé có thể học được rất nhiều kĩ năng toán học, như tự mình đếm, tự thêm hay bớt khi làm các phép cộng trừ.
Thật đơn giản khi bây giờ chỉ cần bật điện thoại hay máy tính bảng lên, bạn đã có thể dạy bé tập đếm, cộng trừ trên vô vàn các ứng dụng hiện đại. Thế nhưng những món đồ chơi truyền thống như bàn tính, que tính vẫn là những phương tiện học toán vô cùng hữu dụng cho bé. Với bàn tính truyền thống, bé có thể học được rất nhiều kĩ năng toán học, như tự mình đếm, tự thêm hay bớt khi làm các phép cộng trừ.
Cho bé một ống đựng tiền
Để bé quản lí một ống đựng tiền của riêng mình cũng là một cách hay giúp bé phát triển kĩ năng tính toán.
Cha mẹ có thể cho bé một ống đựng tiền và để bé bỏ tiền vào mỗi ngày. Với các bé nhỏ hơn, cha mẹ hãy để bé nói thật to số ghi trên tiền mỗi khi thả tiền vào ống. Những bé lớn hơn có thể luyện tập thêm bằng cách tính toán số tiền thu được sau nhiều ngày, và tính xem số tiền còn lại nếu lấy ra một phần tiền để mua thứ gì đó. Bằng cách này, cha mẹ có thể kết hợp dạy cho bé những bài học đầu tiên về việc sử dụng tiền bạc.