Xi tè không chỉ phổ biến ở Việt Nam
Thực tế, việc xi tè cho trẻ em nhỏ (từ 2-3 tháng tuổi) không phải chỉ có ở Việt Nam. Phương pháp này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Canada, vùng Nam Mỹ, Trung Mỹ, Châu Phi và một số quốc gia ở Châu Âu như Hà Lan. Phương pháp đi tiểu ứng dụng sự liên kết âm thanh và việc đi tè được gọi với tên tiếng Anh là Elimination communication, hoặc thuật ngữ khác hay dùng trong khoa học chỉ chung cho phương pháp hỗ trợ "đi tiểu từ người chăm sóc" là Assisted infant toilet training.
Xi tè là phương pháp được áp dụng ở nhiều quốc gia.
Phương pháp này được mô tả như sau: Sau khi bé bú/ăn, cha mẹ bế bé hoặc dẫn bé đến 1 chỗ để tiểu, có thể là 1 chỗ đất trống (ở ngoài ngôi nhà) hoặc 1 cái bô/toilet. Sau đó làm tiếng động như "Xì Xì... Xì" cho đến khi bé tiểu. Kết quả là bé tiểu. Sau này khi bé phát triển kĩ năng giao tiếp hơn, khi bé mắc tiểu có thể gọi ba mẹ để dẫn bé đến chỗ đó tiểu.
Độ tuổi của phương pháp này đang được áp dụng ở nhiều quốc gia kể trên: Từ 2-3 tháng tuổi và đến 5 tháng tuổi bé hoàn tất việc tiểu theo âm lệnh.
Bằng chứng khoa học liên quan đến phương pháp xi tè
Theo báo cáo của GS.BS Darcie A. Kiddoo, ĐH Alberta, Canada: Hiện tại chưa có nghiên cứu liên quan đến phương pháp này, cũng không có nghiên cứu về những tác hại của phương pháp này.
Tuy nhiên, phương pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều gia đình phương tây và được hướng dẫn bởi một số chuyên gia ở Châu Âu, Mỹ, Hà Lan.
Xi tè có ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang?
Theo TS. Gwen Dewar, ĐH Michigan, Mỹ giải thích: Việc phối hợp co giãn bàng quang của trẻ nhẹ nhàng, không như người lớn, không đủ áp lực ảnh hưởng lên chức năng của bàng quang. Hơn nữa, cấu trúc vách bàng quang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là ổn định, không dễ bị rò. Do đó, việc xi tè không có ảnh hưởng đến bàng quang.
Nên tập xi tè cho trẻ từ 18 tháng tuổi.
Độ tuổi nào mới nên tập xi tè cho trẻ?
Xi tè chỉ là một phương pháp để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ học mối liên hệ giữa âm thanh và việc đi tiểu, không được định nghĩa là sự hoàn tất việc học đi tè.
Hiện tại, báo cáo chính thức của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa, Mỹ đưa ra hướng dẫn là từ 18 tháng tuổi trẻ mới có thể học hoàn toàn việc đi tè từ nhận thức là đã tới ngưỡng bàng quang, tạo áp lực lên thành bàng quang, dẫn đến giãn cơ và muốn tè. Hơn nữa, lúc này trẻ mới biết đi đến chỗ tè hoặc ngồi trên toilet.
Việc xi tè được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Trong báo cáo năm 2004 "Huấn luyện xi tè cho trẻ sơ sinh ở các gia đình phương Tây của TS.Sun (ĐH Verona, Ý) cho biết: Xi tè dưới 18 tháng chỉ giúp bé học sự liên kết giữa âm thanh và việc đi tè, trẻ chưa hiểu việc đi tè đúng nghĩa, cha mẹ vẫn cần phải tập và dạy trẻ cách đi tè đúng nghĩa sau 18 tháng tuổi.
Xi tè dưới 18 tháng tuổi chưa có bằng chứng liên quan đến việc gây hại cho bàng quang tính đến hiện nay.
Lưu ý khi tập xi tè cho bé
Khi trẻ từ 18 tháng tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ hiểu về việc đi tè cần phải đúng chỗ. Không nên dạy trẻ đi tè ngoài đường nữa, mà bắt đầu dạy bé đi tè trong nhà vệ sinh. Trước khi đi, bạn nên chỉ bé đây là nhà vệ sinh, khi con mắc tè thì nên đi vào đây.
Đôi lúc nhiều bé chưa quen, khóc và không chịu tè, đừng la mắng bé, cứ xi tè bé bình thường. Đợi 1 dịp bé thoải mái hơn dạy lại cho bé.
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".