Nguyên vật liệu như sau:
– Vải dạ (dạng felt dùng khâu đồ chơi): nhiều màu tươi tắn, loại tốt mịn mặt vải, không xù bông.
– Cúc tối màu hoặc mắt thú giả
– 1 đoạn sợi to như dây dù, màu đen, dùng làm mũi con rối
– Kim, chỉ màu, kéo
– Mẫu giấy
Bước 1: In mẫu giấy và ghi chú rõ những mẫu nào cắt màu vải gì, bao nhiêu miếng. Bạn có thể phối màu tùy ý thích nhưng chỉ nên chọn hai màu tương phản để làm nổi bật các bộ phận nhỏ trên nền các bộ phận lớn.
Bước 2: Quy trình thông thường nhất của cách làm một con rối tay bằng vải dạ là căn ke mẫu giấy lên vải rồi cắt theo các phần của con rối, khâu các hình trang trí hoặc các chi tiết nhỏ (như mắt, mũi,..) lên các bộ phận lớn, sau cùng khâu ráp hai nửa trước sau của con rối lại. Với mẫu chim cú này bạn cũng thực hiện theo đúng quy trình đó.
Khi khâu đồ chơi vải dạ, các mũi khâu ráp hoặc viền bao quanh thường dùng mũi khâu thùa khuy. Sau khi khâu ráp hai nửa trước sau của chim cú bạn khâu 2 chân vào phần cửa dưới rối tay – chỗ bé xỏ tay vào con rối.
Bước 3: Con rối thỏ cũng được khâu tương tự nhưng chú ý phần mũi thỏ được khâu bằng một đoạn sợi to dài chừng 3cm. Khâu điểm giữa sợi vào vị trí chính mũi, hai đầu sợi khâu cố định sang hai bên đầu miệng nhưng hơi co cong sợi lại tạo đường nét cánh mũi, sau cùng khâu phủ miếng chóp mũi che điểm giữa đoạn sợi đi.
Các con rối tay cơ bản thường khâu từ 2 miếng trước sau vào với nhau nhưng con rối thỏ này khâu từ 3 miếng: thân trước thỏ có khâu trang trí, thân trước thỏ không khâu trang trí, thân sau thỏ. Việc chia thân trước thỏ làm 2 miếng đồng dạng này sẽ giúp bạn có thể nhồi bông vào giữa chúng làm cho con rối tròn trịa như thú nhồi bông mà vẫn không ảnh hưởng tới phần xỏ tay vào của bé.
Bước 4: Mẫu rối gấu này khâu đơn giản 2 lớp như mẫu rối cú và áp dụng cách khâu mũi của rối thỏ. Nếu thích bạn hoàn toàn có thể tạo 3 lớp vải để nhồi bông cho mặt trước của gấu, chỉ cần cắt một miếng vải dạ đồng dạng với miếng phía trước, không cần khâu trang trí gì, đặt nó vào giữa miếng trước và miếng sau để khâu ghép cả 3 miếng với nhau.
Bạn nên chọn loại vải dạ có chất lượng tốt để vải không bám bụi và để sản phẩm đằm nét hơn. Khi bé xỏ tay vào, con rối tay phồng lên căng mượt và mọi cử động vải linh hoạt theo cử động bàn tay của bé. Sau khi khâu thạo tay, bạn cũng có thể tự sáng tác những con rối tay khác trên nguyên tắc khâu hai miếng đồng dạng hình thú cưng với miếng phía trước trang trí đầy đủ các bộ phận.
Dùng rối tay để chơi đóng kịch, kể chuyện nhập vai, múa rối,… Đôi khi “kịch bản” là của riêng bé ngẫu hứng, rối tay giúp bé phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
|