– Việc trẻ nhỏ thường xuyên phải chứng kiến cha mẹ cãi vã sẽ ảnh hưởng đến hình thành tính cách sau này. Dưới đây là 3 tác hại tâm lý nhiều cha mẹ không lường trước được.
Cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn vì mỗi người là một cá thể riêng biệt với những lối sống, sinh hoạt… có thể trái ngược nhau. Chính từ những bất đồng đó, vợ chồng thiếu đi sự thấu hiểu hay vì "cái tôi" quá cao mà dẫn tới các cuộc cãi vã. Có những cha mẹ tế nhị, khi vợ chồng xung đột thường không để cho con chứng kiến. Nhưng không ít người khi bất hòa, cãi cọ lại để con trẻ chứng kiến, thậm chí lại lôi trẻ vào trong cuộc. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ của các con.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho biết, cha mẹ cần biết đến 3 tác hại tâm lý dưới đây khi để trẻ chứng kiến cãi vã của mình để tránh làm tổn thương trẻ:
Xu hướng tự cô lập lại
Xu hướng trẻ cô lập khi mà chứng kiến cha mẹ tranh cãi với những đứa trẻ sống nội tâm. Tâm trạng của trẻ trở nên căng thẳng, tạo vỏ bọc che chắn để không ai có thể vào được thế giới của mình. Con cái trở nên xa cách với cha mẹ khi mà mối dây liên hệ không có. Trẻ thu mình, khó giãi bày tâm tư với cha mẹ vì những rào cản tâm lý tạo ra. Cũng chính vì vậy, những đứa trẻ có xu hướng tự cô lập này sẽ vô cùng ảnh hưởng đến sự trưởng thành sau này. Trẻ khi trưởng thành đối mặt với vấn đề khó giao tiếp với người xung quanh. Chúng cũng không có thói quen biết quan tâm, thể hiện tình cảm với những người mà mình yêu thương.
Suy giảm về nhận thức
Một nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý tại Trường ĐH Yale (Mỹ), trẻ phải chứng kiến sự cãi vã của cha mẹ có thể dẫn tới việc suy giảm về nhận thức. Nguyên nhân từ sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi… dẫn tới việc trẻ thiếu tập trung. Trẻ gặp phải vấn đề về khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi việc xung quanh và từ đó việc nhận thức bị suy giảm.
Tuỳ vào tác động tâm lý, độ tuổi mà mức độ ảnh hưởng với trẻ sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, những xáo trộn tâm lý mang tới những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới sự trưởng thành về tính cách của con trẻ trong tương lai.
Xu hướng dùng bạo lực
Do chịu những tác động từ sự xung đột, tranh cãi của cha mẹ mà trẻ có xu hướng trở nên hung hăng, thích bạo lực. Trẻ thường học theo người lớn, nhất là bố mẹ. Bởi vậy trẻ sẽ cho rằng việc thể hiện bạo lực là cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn hay bực dọc ở trong lòng.
Hơn nữa, con cái của các cặp vợ chồng ly dị bị các cuộc cãi vã làm tổn thương nhiều hơn cả việc chia tay của bố mẹ. Một nghiên cứu đã chỉ ra, việc phải chứng kiến các cuộc cãi vã trong nhà của cha mẹ khiến con trẻ của gia đình đã li hôn gia tăng tới 30% các vấn đề liên quan đến hành vi.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh, để tránh những tổn thương tâm lý cho trẻ, cha mẹ cần chú ý hạn chế việc cãi vã trước mặt con. Mâu thuẫn không tránh khỏi nhưng cần học cách giữ bình tĩnh, tìm không gian riêng giải quyết. Càng đừng lấy con trẻ ra làm "bia đỡ" cho mình. Cha mẹ hãy tạo cho con trẻ sống, trưởng thành ở một môi trường lành mạnh, vui vẻ giúp cho con có sự phát triển tích cực về tâm lý.
Bình thường đa phần cha mẹ đều cho rằng con trẻ chẳng để ý gì tới chuyện tranh cãi của bố mẹ. Nhưng điều đó rất sai lầm vì kì thực, trẻ nhỏ lại rất nhạy cảm. Chúng luôn dõi theo mối quan hệ của người lớn, quan sát hành xử của cha mẹ. Và nghĩa vụ của người làm cha làm mẹ cần phải giải quyết càng sớm càng tốt các mâu thuẫn dai dẳng ở trong gia đình để chúng thực sự được vui sống trong mái ấm của mình.