Trẻ nhỏ rất nhạy cảm và luôn cần sự khuyến khích, động viên, chỉ bảo từ bố mẹ và người lớn để có thể phát triển cân bằng, toàn diện.
Những hành động đơn giản và hữu ích dưới đây là gợi ý thiết thực và hiệu quả để các bố mẹ tham khảo trong quá trình tạo dựng sự tự tin cho con yêu.
Giúp trẻ tự phát triển một hình ảnh tích cực của riêng mình là rất quan trọng
Một hình ảnh tích cực có nghĩa là trẻ đang tự tin, trẻ biết về giới hạn của bản thân và tin tưởng vào khả năng của mình. Khi lớn lên, những trẻ có một cái nhìn tích cực về cuộc sống, có thể bản lĩnh hơn khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn.
Sự tự tin không phải khả năng bẩm sinh mà cần có sự rèn luyện, môi trường xúc tác. Vì vậy, bố mẹ hãy truyền sự tự tin của mình bằng lời nói, hành động để trẻ có thể cảm nhận và học hỏi theo.
Chấp nhận trẻ dù đặc điểm cá nhân và con người của trẻ như thế nào
Luôn động viên và khuyến khích trẻ một cách cụ thể khi trẻ làm những việc đáng khen. Ví dụ, bạn không nên nói “con rất ngoan!” hãy nói “mẹ thích cách con đã làm để lau sạch bóng và dọn dẹp ngăn nắp phòng của con, đây là điều mà mẹ mong con sẽ liên tục phát huy!”. Nếu trẻ chưa ngoan, thay vì la hét, mắng mỏ trẻ, bạn nên khuyên dạy và giúp trẻ sửa chữa lỗi sai. Trẻ cần được dạy rằng nếu không có những sai lầm để rút kinh nghiệm thì trẻ sẽ không thể tiến bộ được.
Trẻ sẽ học được nhiều hơn bằng cách tự cố gắng dù điều này sẽ mất nhiều thời gian và đôi khi gây ra nhiều phiền toái, lộn xộn hơn
Kiên nhẫn và sự tự tin có thể giúp trẻ làm được rất nhiều điều. Cho trẻ thời gian, không gian để làm quen với một bài học mới và tự học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của trẻ. Hãy giúp đỡ khi trẻ cần. Luôn thể hiện sự tự hào về trẻ ngay cả khi trẻ chưa thành công và còn mắc lỗi.
Khi trẻ cảm thấy tự tin hơn, trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi trước những trải nghiệm mới hoặc bài tập khó. Bạn có thể cho trẻ chơi các trò chơi nhỏ như vẽ tranh, câu đố, ghép chữ, tìm từ, … để trẻ rèn luyện sự kiên trì và tự tin.
Trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo
Trẻ sẽ học nhiều nhất từ những hành vi của bạn. Trẻ luôn bắt chước các hành động, thái độ ứng xử của người lớn, kể cả tốt hay xấu. Trẻ muốn tự thể hiện sự trưởng thành của mình. Giả sử khi trẻ thấy bạn đang nói những lời không hay như mắng chửi, quát tháo, trẻ cũng sẽ mắng và quát lên giống như bạn. Nếu trẻ chứng kiến bạn giúp đỡ mọi người, trẻ sẽ cố gắng làm như vậy. Đối với những trẻ bị bạo hành từ nhỏ, thì lúc lớn lên trẻ có nguy cơ rất cao trở thành người đi bạo hành người khác.
Lưu ý quan trọng:
- Thấu hiểu trẻ và hành vi của trẻ cũng sẽ giúp trẻ tự tin một cách dễ dàng hơn.
- Tránh đặt quá nhiều áp lực đối với trẻ vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của trẻ.