Bé nhà bạn có biểu hiện hành vi không ổn định như đánh bạn, không trò chuyện với bạn bè hay e sợ người lạ không? Nếu có, đây chính là bài viết dành cho bạn. Với những lưu ý đặc biệt dưới đây, cha mẹ hoàn toàn có thể định hướng và giúp bé kiểm soát hành vi của mình.
1. Thấu hiểu:
Nói chuyện thẳng thắn với trẻ về hành vi của bé là bước đầu tiên trong quá trình giúp bé kiểm soát hành vi của mình. Một vài trẻ không hề nghĩ về hành vi sai trái của mình hay dự đoán được hậu quả mà những hành vi này có thể đem lại cho mình, đặc biệt là với những trẻ em gặp khó khăn trong việc điều khiển hành vi hay bị áp lực lớn từ xã hội. Hãy nói về việc bé trốn học, đánh nhau… bằng giọng điệu kiên quyết nhưng không đối đầu với bé. Nhiều bé sẽ tiếp nhận những lời khuyên nhủ tốt hơn là quát mắng, trong khi một số khác cần bạn hơi lớn tiếng một chút. Tuy nhiên, trong trường hợp nào cũng hãy cố giữ bình tĩnh và cố gắng tìm hiểu con mình và tìm hiểu tại sao vấn đề lại xảy ra.
Hãy nói: Con chơi đá bóng trong nhà có thể làm mọi người bị thương
Thay vì nói: Ngừng chơi bóng trong nhà ngay
2. Giải thích cho bé tại sao hành vi của bé lại có vấn đề và bé nên làm thế nào cho đúng:
Hãy nêu rõ những vấn đề có thể xảy ra với những hành vi của bé. Có thể bạn đang phát điên lên, nhưng hãy cố gắng tránh chỉ trích bé. Hãy nhớ rằng, để kiểm soát hành vi của trẻ, bạn cần kiên nhẫn lặp đi lặp lại điều này cho đến khi bé ngừng hẳn những hành vi không đúng của mình.
Hãy nói: Quần áo con bẩn vì con bỏ chúng dưới gầm giường. Lần sau hãy bỏ vào giỏ đựng đồ dơ. Đây, để mẹ chỉ con giặt đồ!
Đừng nói: Con quá lười rồi. Mẹ sẽ không giặt đồ cho con đâu!
|
Thay vì la mắng, hãy thấu hiểu và phân tích đúng sai một cách chân thành và thân thiện |
3. Thể hiện rõ ràng thái độ và lòng tin của bạn đối với bé:
Hãy khuyến khích và khen ngợi các hành vi tích cực của trẻ bất cứ khi nào có thể. Mặc dù bạn có thất vọng như thế nào, hãy giữ thái độ tích cực khi nói chuyện với các bé và cho bé biết rằng bạn tin con mình sẽ làm những điều đúng đắn.
4. Thừa nhận rằng việc thay đổi hành vi của bé có thể tốn rất nhiều thời gian:
Hãy khen ngợi bé một cách chân thành và cụ thể cho bất kì nỗ lực và sự tiến bộ của bé trong việc quản lí hành vi của mình, ngay cả khi bé thất bại ở những lần đầu tiên đi chăng nữa.
5. Chia sẻ với bé những kinh nghiệm cá nhân của bạn:
Mọi người đều có vấn đề. Ngay cả bạn cũng có khả năng mắc những sai lầm tương tự như bé khi còn nhỏ. Những chia sẻ của bạn sẽ giúp bạn gần gũi với bé hơn, đồng thời là một cách để bạn giáo dục bé điều hướng hành vi của mình cho đứng đắn.