Dưới đây là chia sẻ của một giáo viên về những lỗi phụ huynh thường mắc phải trong mối quan hệ với thầy cô và cách ứng xử phù hợp để hai bên hỗ trợ con em tốt hơn:

Sự khác biệt giữa quá trình học tập và điểm số

Hãy nghĩ lại quãng thời gian bạn ngồi trên ghế nhà trường. Có bao giờ bạn được điểm cao trong bài kiểm tra dù sự thực là bạn học rất ít? Hoặc có bao giờ bạn bị điểm kém dù đã rất chăm chỉ học tập? Đó là điều mà hầu như ai cũng từng trải qua, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nhìn nhận điều này. Điểm số không phải lúc nào cũng phản ánh quá trình học thực chất của con.

Vì vậy, khi bạn nói chuyện với con hay với cô giáo, hãy tập trung vào quá trình học tập chứ không phải điểm số. Hãy hỏi con những câu hỏi như: “Hôm nay con học thế nào?”, “Bài tập này có liên quan đến những kiến thức con đã học hôm qua không?”...

Nếu bạn đang nói chuyện với giáo viên về sự thể hiện của con trên lớp, nhớ đặt những câu hỏi liên quan đến quá trình học tập: “Mục tiêu của bài tập này là gì?”, “Con tôi gặp phải những khó khăn nào khi cố đạt được mục tiêu này?”, “Con tôi làm tốt phần nào?”, “Chúng tôi có thể hỗ trợ việc học tại nhà bằng cách nào?”

Việc dùng điện thoại di động

Công nghệ có thể mang đến những lợi ích không ngờ trong nhà trường nếu được sử dụng phù hợp và đúng cách. Dĩ nhiên, nếu con nhắn tin trong giờ học, đó không thể coi là một cách sử dụng đúng. Có lần, tôi phát hiện một học sinh đang nhắn tin trong giờ, nhưng khi tôi yêu cầu cô bé cất điện thoại đi, cô bé trả lời: “Nhưng con đang nhắn tin với mẹ. Mẹ đang nhắc con về những việc phải làm sau khi tan trường”. Vậy, khi bạn cần liên lạc với con trong giờ học, nhớ rằng con không thể trả lời ngay lập tức. Con sẽ phải đợi cho đến giờ nghỉ và bạn cũng cần nhắc nhở con điều đó.

Một số trường học không cho phép học sinh dùng điện thoại di động. Vào lúc đó, bạn cần tìm một phương thức liên lạc khác với con. Nếu con vẫn còn rất bé, không nên cho phép con mang điện thoại tới trường.

Các giáo viên hiểu rằng học sinh sẽ ngày càng sử dụng công nghệ nhiều hơn ở trường, nhưng các bậc cha mẹ nên làm gương cho con thấy cách sử dụng sản phẩm công nghệ một cách hợp lý.

Tạo cho con môi trường học tập

Ở trường học, các giáo viên phải cố hết sức để tạo ra môi trường hỗ trợ việc học tập của học sinh đến mức tối đa. Còn khi ở nhà, các bậc phụ huynh cũng không nên lơ là môi trường học tập của con. Sau đây là những điều bạn nên ghi nhớ:

- Dành cho con một không gian học tập yên tĩnh và thoải mái.

- Góc học tập của con không nên có những sản phẩm công nghệ. Rất nhiều học sinh nói rằng chúng có thể vừa học, vừa nghe nhạc, vừa nhắn tin. Nhưng sự thực là mỗi lần con dừng việc học để trả lời tin nhắn, phải 15 phút sau con mới có thể tiếp tục dòng suy nghĩ.

- Không để con đến lúc sát nút mới làm bài tập. Điều này rất khó, đặc biệt là khi trẻ em càng ngày càng trở nên bận rộn. Tuy nhiên, khi bạn để con làm bài tập vào phút cuối, điều này rất dễ tạo nên tâm lý mệt mỏi, uể oải và con sẽ khó hoàn thành bài tập.

Về việc xin nghỉ học

Sẽ có nhiều thời điểm mà bạn cần xin nghỉ học cho con, chẳng hạn như khi con ốm hay khi con đi nghỉ cùng gia đình, … Cho dù lý do của bạn có hơp lý đến đâu, hãy nhớ rằng con có thể mượn vở bạn chép bài và hoàn thành bài tập sau đó, nhưng con sẽ không thể có những trải nghiệm như khi đi học. Các bậc cha mẹ thường cố không để con nghỉ học vào những ngày quan trọng, cụ thể là những ngày có bài kiểm tra. Tuy nhiên, còn có những ngày khác cũng quan trọng không kém, chẳng hạn như ngày ôn tập, ngày thực hành, ngày học kiến thức mới, … Giáo viên hoàn toàn hiểu việc bạn xin cho con nghỉ học, nhưng để truyền tải lại đầy đủ kiến thức của buổi học bị thiếu không phải là một việc đơn giản.

Giáo viên cũng mắc sai lầm

Không có điều gì khiến giáo viên cảm thấy tệ hơn là mắc sai lầm về việc giảng dạy. Cho dù việc đó là phân nhóm không hợp lý, cho bài tập hay cho điểm sai, tất cả đều khiến người giáo viên cảm thấy tồi tệ. Bạn nên nhớ, giáo viên cũng có thể mắc sai lầm. Vậy khi bạn phát hiện ra giáo viên của con mắc sai lầm, bạn sẽ làm gì: đặt câu hỏi thẳng thắn hay chỉ trích và cười cợt? Hãy nhớ, cả giáo viên lẫn cha mẹ đều muốn con đạt được thành quả cao nhất. Để làm được điều đó, 2 bên cần hợp tác với nhau.