1. Nghe nhạc cùng bé
Bạn hãy chọn một vài bài hát hoặc bản nhạc không lời để cùng nghe với bé, giúp bé dần dần làm quen với các tiết tấu, giai điệu sống động, hân hoan, trữ tình, dịu dàng… tương ứng với các trạng thái cảm xúc như: hạnh phúc, tức giận… Từ đó, bé sẽ phân biệt được các hành động và cách biểu đạt đơn giản của các trạng thái cảm xúc.
2. Chơi nhạc cụ đồ chơi
Bạn có thể mua cho bé một số nhạc cụ đồ chơi như: trống nhỏ, đàn celesta (loại nhạc cụ có phím bằng thép, khi gõ lên phím, đàn phát ra âm thanh như tiếng chuông), đàn piano, harmonica, maracas (nhạc cụ làm bằng gỗ của người Trung Mỹ, còn gọi là cái “shac–shac”)… để bé có thể tự chơi các nhạc cụ này bằng các động tác đơn giản: gõ, bấm phím, thổi hơi… tạo nên nhiều loại âm thanh phong phú, kích thích sự hưng phấn của bé.
3. Mô phỏng tiết tấu
Bố mẹ dùng trống hoặc maracas hay một số nhạc cụ đơn giản khác tạo thành một chuỗi âm thanh có tiết tấu đơn giản, rõ ràng rồi đố bé làm lại. Bạn có thể tham khảo cách làm này với cách vỗ tay theo nhịp trong chương trình Đồ rê mí.
4. Dạy bé hát
Bắt đầu từ những làn điệu dân ca hay bài hát thiếu nhi có giai điệu vui vẻ, ca từ đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, mẹ và bố hãy hát thường xuyên để bé nghe và làm quen với giai điệu (cũng có thể mở băng, đĩa thiếu nhi để bé học theo các bạn).
Khi bé đã quen thuộc với giai điệu và ca từ, bạn hãy dạy bé hát hoặc cũng có thể dạy bé múa theo giai điệu bài hát. Với những bé đang ở độ tuổi tập nói thì có khi chưa cần người lớn dạy, bé đã tự hát theo được rồi.
5. Múa cùng bé
Cùng với bé, bố mẹ có thể kết hợp những hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như rửa bát, quét nhà, mặc quần áo… với những bài hát, giai điệu phù hợp để biến chúng thành những “điệu nhảy”, động tác múa đơn giản tùy theo cảm hứng. Bạn cũng có thể khuyến khích bé bắt chước bước đi và động tác của một số con vật mà bé yêu thích theo nhịp nhạc như: thỏ gật đầu, cánh cụt đi bộ, mèo vuốt râu, voi lúc lắc cái vòi…
6. Thay đổi giai điệu âm nhạc
Sau khi bé đã làm quen và có hứng thú với một số bản nhạc, bài hát nhất định, bạn cho tiếp xúc với các thể loại nhạc mới có tiết tấu phong phú hơn, đòi hỏi các động tác minh họa của cơ thể phức tạp hơn. Đồng thời, để bé cảm nhận được sự thay đổi của tiết tấu âm nhạc, bạn hãy chọn một bản nhạc lúc nhanh, lúc chậm hoặc có nhiều đoạn cao trào hay sử dụng dàn trống, kèn tạo hiệu ứng mạnh mẽ.
Đi cùng với bài nhạc, các động tác “múa” minh họa của bé cũng bắt buộc phải thay đổi nhanh, chậm theo giai điệu. Một gợi ý nhỏ cho phần này là điệu nhảy “Chicken dance” đi kèm với giai điệu nhanh dần đều luôn được các bé yêu thích.