Cảnh báo bé trước
Trao đổi trước với bé rằng hai mẹ con sẽ mua sắm những gì, chẳng hạn mua dầu ăn, gạo, đồ đông lạnh, sữa và một vài loại bánh kẹo cho bé. Cách này giúp bé tránh được thất vọng vì bé có thể đang mong mỏi được mẹ đưa sang gian hàng đồ chơi.
Giải thích và nhắc nhở
Trước khi rời khỏi nhà, nhắc bé những gì mẹ muốn bé làm trong siêu thị. Chẳng hạn, bé ngồi ngoan trong xe đẩy hoặc đi bộ cùng mẹ xách giỏ hàng. Bạn nhấn mạnh với bé không được tùy ý chạy chơi, cũng không được tùy tiện với lấy thứ nọ – thứ kia…
Nhờ bé giúp đỡ
Bé nên được cảm thấy có ích khi đi siêu thị cùng mẹ. Bạn có thể tranh thủ nhờ sự giúp đỡ của bé, như nhờ bé lấy gói mỳ tôm, lọ thịt hộp… ra khỏi kệ. Cách này giúp bé đỡ cảm giác chán.
Hạ thấp giọng
Nếu bạn sợ con làm hỏng thứ gì đó, đừng vội quát tháo bé om sòm. Thay vào đó, bạn nên hạ thấp giọng, nói với bé không được làm thế kẻo rơi, vỡ hàng. Tiếp đến, bạn dạy con cách ứng xử thế nào cho phải.
Mua sắm có kế hoạch
Khi đi cùng con, bạn nên hạn chế thời gian cũng như số lượng đồ cần mua. Chỉ tập trung vào những thứ mà bạn cần mua và nên hoàn thành việc mua hàng càng nhanh càng tốt. Nếu bạn không có ý định mua bánh kẹo cho bé thì đừng cùng bé dạo qua gian hàng bánh kẹo. Nếu bạn đưa bé vào khu vực “cám dỗ”, rất có thể bé sẽ mè nheo đòi mẹ mua.
Để bé đẩy xe hàng, nếu cần
Nếu bé nhà bạn đã lớn, bạn có thể giao cho bé nhiệm vụ cùng mẹ đẩy xe hàng để hạn chế bé chạy nhảy. Với bé còn nhỏ thì nên cho bé ngồi trong xe.
Khen ngợi và phần thưởng
Nếu bé nhà bạn biết nghe lời, bạn nên thưởng cho bé lời khen vì điều này sẽ giúp bé tiếp tục có hành vi tốt.
Cuối buổi mua sắm, nếu bé cư xử tốt, nên khen ngợi bé và có thể cho bé chọn một món đồ như là một phần thưởng.