Việc dạy trẻ mầm non tự cất quần áo hoặc tự lấy đồ ăn trong một bữa tiệc có thể khác với việc tự làm chủ khi chúng ở tuổi thiếu niên và trưởng thành. Tuy nhiên, theo chuyên gia, những việc này lại có thể giúp chúng tin tưởng vào bản năng của mình.
"Tính độc lập giúp nâng cao kỹ năng và khả năng lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân và tập thể" - Bà Karen VanAusdal, giám đốc cấp cao của Tổ chức hợp tác về học tập, xã hội và cảm xúc có trụ sở tại Chicago (Mỹ), chia sẻ.
Mặc dù việc dạy trẻ mầm non tự cất quần áo hoặc tự lấy đồ ăn trong một bữa tiệc có thể khác với việc tự làm chủ khi chúng ở tuổi thiếu niên và trưởng thành, những việc này lại có mối liên hệ chặt chẽ. Chúng sẽ học được cách tin tưởng vào bản năng và từ đó tạo được cá tính riêng của mình. Lũ trẻ sẽ nhận thấy việc tự thực hiện giúp chúng trở thành một phần của cộng đồng, gia đình hay xã hội.
Dưới đây là những cách tiếp cận nhằm khuyến khích tính độc lập, tự tin của trẻ ngay từ khi còn bé:
1. Không làm việc thay con
Vì nghĩ trẻ còn nhỏ nên trong một số công việc bố mẹ vẫn làm thay. Tuy nhiên, suy nghĩ này lại gây ra những hậu quả tiêu cực trong việc phát triển tính cách độc lập của trẻ sau này.
Làm việc nhà, giúp bố mẹ những công việc lặt vặt, tự hoàn thành công việc của bản thân là cách để trẻ học cách làm việc và chịu trách nhiệm. Nếu bị tước đi những bài học này, trẻ sẽ trẻ nên thụ động, không khám phá được những năng lực tiềm ẩn bên trong.
2. Hãy để con có không gian độc lập
Nếu bạn muốn con rèn luyện được tính độc lập ngay từ khi còn nhỏ, bên cạnh việc giáo dục mỗi ngày thì cũng cần cho con có không gian riêng. Hãy cho con thời gian để làm bài tập về nhà riêng trong phòng, yêu cầu con tự sắp xếp quần áo để mặc vào ngày hôm sau theo dự báo thời tiết…
Tình yêu lớn nhất mà cha mẹ dành cho con cái không phải là bao bọc chúng trong vòng tay mà hãy để con tự bước đi, tự vấp ngã và tự trưởng thành.
3. Hãy khuyến khích khi có thể
Khi có thể, hãy khuyến khích, động viên trẻ bởi trẻ thường đo lượng những điều chúng làm được bằng những điều mà bạn nghĩ. Nhưng hãy chú ý thực tế trong lời khen ngợi của bạn. Nếu con bạn thất bại trong một nỗ lực nào đó, hãy động viên nỗ lực của trẻ chứ không phải là ca ngợi kết quả đạt được.
4. Dạy con kỹ năng xây dựng mối quan hệ
Maurice J. Elias, giáo sư tâm lý học tại Đại học Rutgers (Mỹ), đồng tác giả của cuốn Nuôi dạy con thông minh: Cách nuôi dạy trẻ tự kỷ luật, có trách nhiệm và kỹ năng xã hội, cho biết: "Con người vốn không phải cá thể độc lập cả về mặt sinh học và xã hội. Sự gắn bó con người với con người trong các tổ chức gia đình, trường học, công sở, cộng đồng, tôn giáo - tạo nên ý nghĩa và mục đích sống của chúng ta".
Định hình một kỹ năng mới giúp trẻ em nhận thức được vai trò lớn hơn của chúng trong gia đình và cộng đồng. Ví dụ, hãy cho trẻ tương tác với người khác khi đi siêu thị như có thể giúp mở cửa cho người đứng sau hoặc nói xin cảm ơn khi được giúp đỡ…
Những kỹ năng đó không chỉ là phép lịch sự thông thường, mà còn là cơ sở để xây dựng mối quan hệ cân bằng trong tương lai.
5. Khuyến khích trẻ làm việc nhà
Để trẻ tham gia việc nhà giúp chúng hiểu được cần phải làm gì để chăm sóc bản thân, gia đình, đồng thời có cơ hội hiểu được tính trách nhiệm. Tuy vậy, không phải việc nhà nào cũng thích hợp với trẻ. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Trẻ từ 2 - 3 tuổi:
- Thu dọn đồ chơi và sách.
- Đặt quần áo vào móc quần áo.
- Sắp xếp giấy ăn hoặc khăn ướt trên bàn ăn
Trẻ từ 4 - 5 tuổi:
- Sắp xếp bàn ăn/bày bát đũa.
- Giúp cha mẹ nấu ăn (dưới sự giám sát).
- Giúp cha mẹ mua hoặc sắp xếp hàng tạp hóa.
Trẻ từ 6 -11 tuổi:
- Tưới nước cho vườn và cây trong nhà.
- Đổ rác vào thùng rác.
- Hút bụi hoặc lau sàn.
6. Cho trẻ quyền quyết định
Để trẻ tự tin, kỹ năng quan trọng nhất bố mẹ cần lưu ý chính là cho trẻ quyền quyết định. Trẻ càng lớn càng tăng sự lựa chọn cho con.
"Con gái 10 tuổi của tôi thích ý tưởng kiếm thêm tiền tiêu xài, vì vậy tôi đã để nó đã mở một quầy bán nước chanh theo mong muốn, trong khi đứa con 5 tuổi rất thích các buổi dã ngoại đã bị lỡ, vì thế con bé tự chủ động dọn dẹp phòng sạch sẽ để được đi chơi", bà Karen VanAusdal, giám đốc cấp cao của Tổ chức hợp tác về học tập, xã hội và cảm xúc có trụ sở tại Chicago (Mỹ) kể.
Cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội tự do và tự đưa ra lựa chọn là cách tuyệt vời để trao quyền cho chúng, tạo sự tự tin trong kỹ năng ra quyết định và giúp xây dựng tinh thần trách nhiệm. Khi có thể tự lựa chọn, trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn để trải qua những hậu quả tự nhiên, tạo cho trẻ nhiều cơ hội tự lựa chọn cũng là cách để bạn thấy và tôn trọng sở thích, mong muốn cũng như nhu cầu của trẻ.
7. Cho trẻ lập kế hoạch
Bà Kamenetz, phóng viên mảng giáo dục cho biết lịch trình gia đình, lịch trình công việc là những điều tuyệt vời để dạy trẻ làm việc theo kế hoạch. Một năm học mới bắt đầu hãy dạy trẻ thiết lập lịch trình và có trách nhiệm với những kế hoạch đó.
Đồng thời, cha mẹ cho trẻ cơ hội đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bằng cách tổ chức những cuộc họp gia đình và khuyến khích con làm những công việc phù hợp. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng không chỉ thấy tự hào mà còn cảm thấy rất phấn chấn vì góp phần vào hạnh phúc chung của gia đình.
8. Kiên nhẫn và không chỉ trích
Khi thực hiện việc gì đó lần đầu, không thể tránh được sai lầm, có thể còn mắc lỗi. Việc này đúng với cả người lớn, chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Bởi vậy, việc cha mẹ cần làm là phải kiên nhẫn và luôn khen ngợi nỗ lực của con thay vì chỉ trích chúng.
Nhận chỉ trích liên tục từ bố mẹ chỉ khiến trẻ cảm thấy bản thân không có năng lực làm việc gì. Còn nếu nghe những lời khen ngợi đúng lúc, trẻ sẽ tự tin, nâng cao lòng tự trọng và trưởng thành hơn rất nhiều.