Bạn thường có thói quen vứt những tép tỏi đi ngay sau khi thấy chồi xanh mọc lên? Vì lo lắng chúng cũng sẽ gây nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe giống như khoai tây, khoai lang, hành tím, gừng mọc mầm.

Mọi người đều biết nhiều thực phẩm mọc mầm rất nguy hiểm vì sẽ sản sinh những chất độc hại. Nhưng với tỏi mọc mầm thì lại hoàn toàn khác.

Một nghiên cứu do Viện Quy hoạch và Đánh giá công nghệ của Hàn Quốc thực hiện và được đăng trên Tạp chí Agricultural and Food Chemistry, cho thấy tỏi mọc mầm chứa những chất chống oxy hóa mạnh hơn tỏi thường rất nhiều lần.

Trong báo cáo về cuộc nghiên cứu, chuyên gia Jong-Sang Kim cùng các đồng nghiệp phát hiện tỏi mọc mầm trong 5 ngày không chỉ khiến chất chống oxy hóa hoạt động mạnh hơn so với tỏi mới nhú mầm, mà còn có những chất chuyển hóa.

Các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng mầm tỏi chứa các chất bảo vệ chính nó khỏi các tác nhân gây hại thực vật.

“Cây trồng rất dễ bị vi khuẩn, virus và công trùng tấn công trong quá trình mọc mầm. Điều này khiến chúng phải tự sản xuất các chất hóa học gọi chung là Phytoalexins để bảo vệ chính mình.

May mắn là các chất này đều rất độc với côn trùng và vi sinh vật, nhưng lại có lợi cho sức khỏe con người”, ông Kim giải thích.

Tiến sĩ Joseph Mercola, thành viên Hiệp hội các bác sỹ Mỹ, là tác giả có sách bán chạy nhất trên tờ New York Times, cũng đã công nhận lợi ích của việc ăn mầm tỏi thường xuyên.

Đó là giảm viêm, thúc đẩy hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa 14 loại tế bào ung thư, bao gồm ung thư não, vú, phổi và tuyến tiền liệt.

Năm 2014, Tạp chí Prevention cũng đã từng đăng một bài báo cho thấy nhiều công ty thực phẩm đang nghiên cứu các sản phẩm chứa chất chiết xuất từ tỏi mầm.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc mọi người chỉ ăn tỏi mọc mầm. Hãy nhớ rằng, tỏi thường cũng là “thần dược” với sức khỏe của chúng ta.

Phát hiện này chỉ để khuyến cáo mọi người đừng vứt đi những củ tỏi già và mọc mầm một cách lãng phí.