Áp lực cuộc sống, áp lực từ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái khiến rất nhiều bà mẹ dễ dàng nổi cáu, quát tháo, to tiếng với con. Mặc dù, nhiều mẹ cảm thấy hối hận ngay sau đó và biết rằng điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của con nhưng vẫn rất khó để kiểm soát được cảm xúc của mình.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN CÁC BÀ MẸ DỄ BỊ NÓNG GIẬN
Do căng thẳng
Stress chính là một trong những tác nhân hàng đầu khiến cho người mẹ dễ nổi giận. Theo nhà tâm lý học Reshmi Karayan, một bà mẹ vốn rất bình tĩnh nhưng khi phải chịu áp lực từ nhiều phía cùng một lúc như: công việc, gia đình, sức khỏe, tài chính sẽ không thể tránh khỏi sự cáu giận bộc phát.
Điều này có thể lý giải được tại sao một bà mẹ dễ dàng nóng giận khi sau 1 ngày dài làm việc vất vả thì con của mình lại có hành động ngang ngược, trong khi đó vẫn trong tình huống ấy nhưng 1 bà mẹ được nghỉ ngơi thì sẽ có thái độ bình tĩnh hơn.
Các bà mẹ ở nhà, đặc biệt là những người có con nhỏ thường sẽ phải chịu áp lực lớn hơn vì họ phải dành rất nhiều thời gian chăm sóc con mà rất ít thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
Họ cảm thấy choáng ngợp
Trước khi có con, có lẽ bạn không thể tưởng tượng ra rằng việc có thêm 1 đứa bé sẽ khiến bạn bận rộn đến mức nào. Cho đến khi bắt đầu hành trình làm mẹ, bạn rất dễ bị choáng ngợp, stress và nếu như bạn không có thời gian để hồi phục và thư giãn thì rất dễ có xu hướng nổ tung. Việc kìm nén cảm xúc quá lâu sẽ khiến bạn kiệt sức mà sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, nếu bạn phải nghe quá nhiều lời phán xét về việc nuôi và chăm sóc con và không được ghi nhận sự cố gắng của mình thì sẽ rất dễ căng thẳng, tức giận thậm chí là trầm cảm sau sinh.
Với những mẹ đã đi làm, một lúc vừa phải hoàn thành tốt công việc, vừa phải lo lắng cho con cái thì việc “quá tải” rất dễ xảy ra. Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và hành vi của người mẹ.
Họ thiếu sự hỗ trợ
Xung đột trong hôn nhân hay thiếu sự hỗ trợ của người bạn đời trong việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái và tài chính có thể khiến người mẹ rất dễ nổi cáu.
Họ đặt kỳ vọng quá cao
Nếu bạn là một bà mẹ đặt quá nhiều áp lực và sự kỳ vọng vào con, nhưng khi con không đạt được sự kỳ vọng đó thì sẽ khiến bạn buồn bực, cáu giận.
Họ sử dụng sự tức giận như một công cụ
Có nhiều mẹ thấy rằng con họ chỉ thực sự chịu nghe lời khi thấy mẹ bắt đầu có dấu hiệu tức giận và chính vì vậy “thương cho roi cho vọt” được coi như 1 phương pháp để dạy con. Tuy nhiên, hành động tiêu cực này không phải là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để nuôi dạy con cái.
Bằng thái độ tin tưởng, kết hợp với các phương pháp kỷ luật tích cực, không tức giận, đổ lỗi có thể sẽ khiến trẻ nghe lời.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM SOÁT CƠN “BÙNG NỔ” CỦA BẠN
Chia sẻ gánh nặng.
Nhiều người giữ cho mình suy nghĩ rằng, việc nhà và nuôi con thuộc về trách nhiệm của người mẹ. Nhưng chính xác trách nhiệm của 1 gia đình đều thuộc về và san đều cho những người đang sống trong gia đình đó. Là chồng, ngoài việc chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái cùng vợ cần ghi nhận những nỗ lực của vợ để cô ấy luôn cảm thấy mình được tôn trọng.
Đừng cố gắng biến mình thành một bà mẹ siêu nhân.
Vốn dĩ không có ai và không có gì là hoàn hảo cả. Nếu bạn không nhiều sữa như những bà mẹ khác, không nấu ăn ngon như những người vợ khác, con bạn không bụ bẫm như con người khác thì không sao cả. Điều quan trọng nhất là bạn đã cố gắng hết mình và vốn dĩ việc làm mẹ đã là rất siêu nhân rồi.
Nếu mệt quá hãy nhờ sự trợ giúp từ người thân, bạn bè để bản thân có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Nhiều bà mẹ tin rằng người mẹ tốt là người dành toàn bộ thời gian và sức lực của mình cho con cái, nhưng kết quả việc này khiến nhiều bà mẹ cảm thấy quá căng thẳng, kiệt sức và thất vọng. Thực tế rằng, bạn chỉ có thể nuôi dưỡng một em bé hạnh phúc khi chính bạn luôn cảm thấy hạnh phúc.
Nếu bạn quá mệt mỏi vì công việc, con cái thì hãy cho phép mình được nghỉ ngơi. Bạn không nên cảm thấy áy náy hay lãng phí thời gian bởi vì nghỉ ngơi sẽ giúp bạn khỏe hơn, nhiều năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt hơn.
Thỉnh thoảng hãy nhờ người thân chăm sóc con để có những khoảng thời gian riêng cho mình. Điều này cũng sẽ giúp cho mối quan hệ của bé với các thành viên khác trong gia đình gắn bó và thân thiết hơn.
Áp dụng kỷ luật lành mạnh.
Nếu con bạn làm sai, thay vì la hét, quát mắng, đòn roi bạn hãy kỷ luật con bằng cách lành mạnh và không làm ảnh hưởng đến thể chất của trẻ.
Ví dụ, nếu con nhất quyết không chịu dọn đồ chơi mà tiếp tục bày ra khắp nhà, bạn hãy thông báo với con rằng, bạn sẽ thu lại đồ chơi và con sẽ không được chơi đồ chơi trong vòng 3 ngày.
Mỗi khi bạn muốn bùng nổ cơn tức giận với con, hãy hít thở sâu, thư giãn và hãy quay trở lại ôm con, giải thích cho con hiểu khi tâm trạng của bạn ổn định hơn.
Nếu bạn hối hận và cảm thấy sai lầm khi đã trót nóng giận với trẻ thì ngay sau khi bình tĩnh bạn có thể nói xin lỗi con.
Mặc dù rất khó khăn để kiểm soát cơn tức giận, nhưng rõ ràng tức giận là điều không hề tốt cho bạn và con. Bạn có thể giải tỏa tâm lý bằng cách tâm sự với một ai đó hoặc viết 1 cuốn nhật ký ghi lại những kỷ niệm đáng yêu về con. Chắc hẳn sau khi đọc lại chúng chẳng khác nào một liều “vitamin” giúp bạn sảng khoáng và thu nạp được nhiều năng lượng tích cực.
---------