Gọi là bánh sừng trâu vì hình dạng thon nhọn của bánh tựa sừng trâu, con vật gần gũi với đồng bào dân tộc Cơ Tu. Bánh sừng trâu được làm từ loại nếp thơm truyền thống proong và được gói trong những chiếc lá rừng. Nét độc đáo của bánh sừng trâu là không có nhân và không ngâm nếp trước khi gói. Bánh sau khi gói xong sẽ được thả vào thau nước lạnh ngâm khoảng hai giờ đồng hồ cho nếp mềm mới mang ra nấu, nên dù để nhiều ngày bánh cũng không thiu và ăn vẫn còn dẻo thơm. Khi ăn mùi nếp chín dẻo hòa quyện cùng mùi lá thơm nồng như gói trọn cả hương vị núi rừng vào trong từng chiếc bánh.
Trước đây bánh sừng trâu chỉ xuất hiện trong các dịp lễ tết quan trọng của người Cơ Tu như một lễ vật mang tính tâm linh. Ngày nay, cùng với quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền, đặc biệt là việc phát triển du lịch cộng đồng tại các làng Cơ Tu, bánh sừng trâu đã trở thành sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo cho du khách khi đến vùng đất này. Theo bà Alăng Thị Ben (làng Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang), kể từ khi làng phát triển du lịch cộng đồng, mỗi khi có du khách đến thăm, món không thể thiếu trong thực đơn đãi khách là bánh sừng trâu ăn với thịt nướng, thịt xào. “Họ thích lắm nên khi về ai cũng xin mang theo vài cái làm quà kỷ niệm chuyến đi” - bà Ben nói.
Những ngày cuối năm có dịp về miền tây xứ Quảng qua các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang ngắm nhìn hoa lau nở muộn, thoảng trong cái rét se sắt mùa đông mà ước được ngồi bên bếp lửa gươl làng nhâm nhi từng miếng cá niên khô, thịt bò khô xông khói cùng chiếc bánh sừng trâu để nhớ về một thời nguyên sơ lễ hội cùng tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.