Danica Patterson từng rất thích chia sẻ ảnh của cô con gái 4 tuổi lên mạng xã hội, cho đến khi chị nhận ra những bức hình này đã bị người lạ sử dụng.
Trang CBS Dallas Fort-Worth đưa tin, chị Patterson đã ngỡ ngàng khi phát hiện hình ảnh con gái mình trên trang facebook của một người đàn ông xa lạ. Người này tự nhận con gái chị là con anh ta và nói cô bé giống hệt anh ta. Con gái chị Patterson là một nạn nhân của trò "bắt cóc trẻ em thời công nghệ số" - trường hợp một người lạ lấy cắp ảnh của một đứa trẻ trên mạng và tự nhận đó là con họ.
Trong vài năm qua, bắt cóc trẻ em kiểu công nghệ số trở thành một xu hướng nhỏ nhưng ngày càng phát triển trên mạng xã hội. Thông thường, nó xuất hiện dưới dạng như "trò chơi đóng vai" - tức là, có những người tạo ra một cuộc sống ảo không hề đúng với cuộc sống thật của họ, với những đứa trẻ họ thấy trên mạng. Đôi khi, những "người giả mạo" này chộp những bức ảnh ngẫu nhiên trên internet, nhưng cũng có lúc, họ lấy từ nguồn quen biết. Việc này không phải lúc nào cũng bất hợp pháp, nhưng bạn cần có cách để bảo vệ chính mình và con cái.
|
Tấm ảnh của con bạn có thể bị người lạ, kẻ xấu sử dụng lại với mục đích không tốt.
|
Nếu bạn muốn đi sâu vào thế giới của những "đứa trẻ bị bắt cóc" kiểu này, hãy vào Instagram và đánh vào vài hashtags (một từ hoặc một chuỗi ký tự liên tiếp được đặt sau dấu #, giúp nhóm nhiều thông tin liên quan lại với nhau). Nhiều cộng đồng đã được hình thành xung quanh các hashtag như #em bé, #làm con nuôi, #trẻ mồ côi. Có hơn 55.000 bức ảnh nhắc tới #em bé, phần nhiều nội dung là những tấm hình đẹp về con cái của người khác.
Những "người giả mạo" này thường vào vai một ông bố, bà mẹ, một đứa trẻ hay một người sắp nhận con nuôi. Và mặc dù ý định của họ có thể không phải lúc nào cũng ác ý, nó vẫn gây phiền. Nhiều người trong số họ đăng những bức ảnh của các đứa trẻ họ chưa bao giờ gặp, nói rằng chúng sắp được "cho làm con nuôi". Những người đóng vai khác sẽ nhận nuôi những "đứa trẻ mồ côi" đó qua các bình luận trên mạng hay nhắn tin trực tiếp.
Tất nhiên, từ chuyện này, nhiều thứ có thể trở nên đen tối hơn. Trang The Daily Dot báo cáo, một số người còn sử dụng những bức ảnh này cho mục đích liên quan đến tình dục. Instagram và Facebook cũng thực hiện việc loại bỏ những bức ảnh và tài khoản đó khi chúng được ghi nhận nhưng nó không phải là một cách bảo vệ. "Khi bạn đăng một bức ảnh lên mạng, nó thực sự không nằm trong khả năng kiểm soát của bạn nữa, và đó là một thực tế đáng sợ mà nhiều phụ huynh đag phải đối mặt và trở thành nạn nhân", Caroline Knorr, biên tập viên về trang nuôi dạy trẻ của tờCommon Sense Media cảnh báo.
Vậy các ông bố bà mẹ có thể làm gì? Theo các chuyên gia, trước khi chia sẻ một bức ảnh trên mạng, bạn nên đảm bảo rằng không có các chi tiết cụ thể đi kèm có thể giúp một người lạ xác định được vị trí của con bạn trong đời thực. Gary Davis, Giám đốc an ninh mạng Intel, cho rằng, các bậc cha mẹ nên tải về một ứng dụng có khả năng đóng dấu quyền riêng tư lên ảnh của bạn. "Việc này sẽ làm giảm động cơ của những người muốn sử dụng các bức hình, bởi vì khi đó việc giả vờ đứa trẻ trong ảnh thuộc về họ sẽ khó hơn". Ngoài ra, khi bạn đăng ảnh, đừng ghi kèm vị trí chụp, vì nó có thể tiết lộ với mọi người nơi con bạn ở. Và nếu bạn đăng một bức ảnh kèm con của người khác, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã được sự đồng ý của bố, mẹ bé trước.
Trước khi bạn tung một bức ảnh lên, hãy xem lại phần cài đặt riêng tư trên mạng xã hội bạn sử dụng. Hãy chắc chắn là mình đã cài chế độ bảo mật nghiêm ngặt nhất có thể. Ngoài ra, khi đăng ảnh, bạn có thể giới hạn những người có thể xem hình, theo ý mình. Gắn thẻ bạn bè và gia đình chỉ phát tán bức ảnh đến nhiều người hơn, vì vậy, nên tránh việc này nếu có thể.
Các bố mẹ muốn bảo mật hơn nữa cũng có thể sử dụng các trang dịch vụ về ảnh như Flickr và Photobucket - giúp bạn lựa chọn chỉ chia sẻ ảnh với những người có quan hệ riêng tư. Và nếu bạn vẫn lo lắng thì không đăng ảnh trên mạng xã hội nữa và chỉ gửi những tấm hình tới người cần xem qua thư điện tử.