Bệnh hen suyễn là bệnh gì?
Hen suyễn (hen phế quản – Asthma) là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.
Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí sẽ ngày càng thu hẹp vào. Lúc này người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè và khó thở vô cùng khó chịu.
Nguyên nhân gây ra bệnh hen xuyễn
Nguyên nhân hen suyễn hiện nay chưa được thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc phơi nhiễm với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn trên lâm sàng. Phản ứng của cơ thể trước các yếu tố khởi phát dẫn đến các bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản
Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus
- Không khí lạnh
- Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí
- Mạt nhà
- Xúc cảm mạnh, stress
- Tập luyện thể lực
- Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen
- Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng của bệnh hen xuyễn
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn rất đa dạng. Sau đây là các triệu chứng phổ biến nhất đối với những người bị bệnh hen suyễn:
Ho, đặc biệt là vào ban đêm: Ho có thể xuất phát từ các bệnh về nhiễm khuẩn xoang mũi, cảm lạnh… nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, các cơn ho xuất hiện chủ yếu vào ban đêm do đường thở bị thu hẹp thì người bệnh cần lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
Thở khò khè: Khò khè là dạng tiếng rít hay âm thanh không bình thường phát ra khi thở. Đây được coi là dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn.
Khó thở: Do đường thở bị thu hẹp gây ra hiện tượng khó thở cho người bệnh.
Đau thắt ngực, đau hoặc áp lực: Người bệnh cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ngực.
Hơi thở rất nhanh và gấp: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hen suyễn. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động nhiều như leo cầu thang, chạy bộ, tập thể dục..,
Mặt nhợt nhạt, mồ hôi: Người bệnh sẽ có dấu hiệu mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi, mệt mỏi khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy.
Trên là các triệu chứng thường gặp ở bệnh hen suyễn. Tuy nhiên ở mỗi người bệnh, triệu chứng xuất hiện sẽ khác nhau, ví dụ:
- Có hoặc không có xuất hiện đồng thời các dấu hiệu trên.
- Cơn hen bị gián đoạn ở người này nhưng liên tục ở người khác.
- Một số người chỉ bị hen khi tập thể dục hoặc thay đổi thời tiết.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hen suyễn
Nhiều yếu tố đã được chứng minh làm tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn và xuất hiện các triệu chứng của các cơn hen phế quản. Việc xác định được các yếu tố nguy cơ giúp ích trong việc kiểm soát triệu chứng và thay đổi lối sống. Hầu hết đều liên quan đến việc gia tăng sự tiếp xúc với các yếu tố khởi phát bệnh, bao gồm:
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh
- Trẻ trai có khả năng mắc hen suyễn cao hơn trẻ gái. Đến lứa tuổi 20 tỷ lệ mắc bệnh không khác nhau giữa hai giới, và sau 40 tuổi, phụ nữ có khuynh hướng mắc bệnh nhiều hơn.
- Tiền sử dị ứng, mắc các bệnh lý như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá hoặc phơi nhiễm với khói thuốc lá
- Các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp như khói bụi, hóa chất dùng trong nông nghiệp, xây dựng.
Đường lây truyền bệnh Hen suyễn
Vì bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nên nhiều người lo lắng bệnh có thể lây nhiễm giữa người và người. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh hen suyễn không phải là vi khuẩn, virus hay các ký sinh trùng nên đây không phải là một bệnh truyền nhiễm. Việc dùng chung các vật dụng sinh hoạt hay tiếp xúc thân mật, thường xuyên với người bị bệnh hen suyễn không gây bệnh cho người khác.
Các dị nguyên gây bệnh có liên quan đến các yếu tố môi trường và yếu tố di truyền chỉ cho thấy rằng hen suyễn là bệnh có tính chất di truyền, chứ không phải là một bệnh truyền nhiễm. Điều này có thể giải thích cho việc có nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh lý hen suyễn.
Hệ quả của hen suyễn
Mắc bệnh hen suyễn có thể gây đến những hệ quả dưới đây:
1. Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh
Bệnh hen suyễn có thể tái phát thường xuyên, biểu hiện với những cơn ho dai dẳng vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi ban ngày, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc, các mối quan hệ vợ chồng cũng phần nào bị tác động…
2. Có khả năng gây tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh hen suyễn vẫn có thể gây tử vong mặc dù tỷ lệ tương đối thấp so với các bệnh mãn tính khác. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan với căn bệnh này, nếu không được phát hiện sớm và có các phương pháp điều trị, kiểm soát cơn hen thì có nguy cơ dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản, khí phế thũng, tâm phế mãn tính, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, xẹp phổi, tràn khí màng phổi,…
3. Gây nguy hiểm với phụ nữ mang thai
Nguy cơ mắc bệnh hen ở phụ nữ mang thai thường xảy ra ở tuần thứ 24 đến 36 của thai kỳ. Theo đó phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh hen suyễn dễ dẫn đến các biến chứng như sản giật, xuất huyết âm đạo, sinh non… Ngoài ra, con của những phụ nữ bị suyễn khi mang thai cũng nhẹ cân hơn những đứa trẻ bình thường.
7 sai lầm người hen suyễn thường gặp khi điều trị tại nhà
Tự ý giảm thuốc khi bệnh cải thiện, dùng chung bình xịt hen, xịt thuốc cắt cơn hen sai cách… là những sai lầm người bệnh thường gặp khi điều trị hen suyễn tại nhà.
1. Tự bỏ thuốc sau nhiều năm điều trị
Trong quá trình điều trị hen suyễn sẽ có những giai đoạn người bệnh có biểu hiện tốt như không còn cảm giác khó thở mệt mỏi. Nhiều người tưởng rằng bệnh đã khỏi, không đi tái khám và bỏ thuốc. Nếu vô tình hít phải một tác nhân kích thích, người bệnh sẽ bị khó thở và phải nhập viện cấp cứu, bác sĩ Vinh lưu ý.
2. Tự giảm liều thuốc khi bệnh cải thiện
Sai lầm thứ hai chính là tự giảm liều, một số người nghĩ rằng thuốc này nhiều tác dụng phụ nên không tuân thủ liều dùng của bác sĩ. Tuy nhiên người bệnh không dám dừng hẳn việc sử dụng thuốc vì thật sự có thuốc giúp họ cảm thấy khỏe hơn. Việc tự ý cắt giảm thuốc có thể khiến cho triệu chứng không được ổn định. Quan trọng hơn hết, đó là mức độ viêm của đường thở vẫn còn.
“Tiến triển của bệnh sẽ ngày càng nặng, sau này chữa trị cho người bệnh sẽ khó vì ngay từ đầu không khống chế bệnh tốt”, bác sĩ lý giải.
3. Tự mua thuốc mà không đi khám
Sai lầm thứ ba chính là một số người không đi khám bác sĩ mà tự đi mua thuốc để uống. Một số loại thuốc chỉ được sử dụng điều trị cắt cơn, nhưng người bệnh lại lấy thuốc đó làm cách điều trị chính. Điều này có thể khiến họ bị nhờn thuốc, thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa.
4. Uống thuốc không chính thống
Hiện có nhiều biện pháp dân gian biện pháp truyền miệng xuất hiện nhiều trên mạng, được quảng cáo giúp chữa trị bệnh hen. Những sản phẩm này uống vào ban đầu người bệnh thấy khỏe hơn, ăn uống ngon miệng và bớt khó thở. Tuy nhiên, tác dụng phụ rất nhiều.
Bác sĩ Vinh cho biết: “Có một số người uống lá cây hoặc uống một số loại thuốc để trị hen, khi vào phòng khám, bác sĩ phát hiện hội chứng Cushing do có chứa corticoid trong thuốc đó. Toàn thân bị phù vì cơ thể họ giữ nước do thuốc. Điều này sẽ để lại nhiều hậu quả như tăng đường huyết, loét bao tử hay loãng xương…”.
Một số người đang điều trị ổn định chuyển sang phương pháp không chính thống nhưng không hiệu quả, sẽ làm bệnh hen trở nặng hơn và khi quay lại điều trị, việc khống chế bệnh hen sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
5. Xịt thuốc cắt cơn hen không đúng cách
Thuốc xịt tương đối an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả rất cao nhưng đòi hỏi kỹ năng xịt thuốc khó hơn thuốc uống. Thuốc uống đa phần người bệnh uống đúng hết, khó có người uống sai. Còn với thuốc xịt, nhiều người tưởng rằng mình xịt thuốc đúng nhưng thực ra là sai. Vì vậy, bác sĩ thường đề nghị người bệnh đem chai thuốc xịt theo, xịt tại phòng khám để bác sĩ xem đúng cách hay chưa. Nếu xịt không đúng có thể gây tác dụng phụ ở vùng họng: bị khàn tiếng hoặc người bệnh tưởng đó là do bệnh lý khác…
6. Nhiều người trong nhà dùng chung bình xịt hen
Bệnh hen có tính chất gia đình nên trong nhà có thể có nhiều người mắc bệnh, song cần ghi nhớ bình xịt là dụng cụ cá nhân. Không nên dùng chung bình xịt vì khi ngậm trong miệng có thể chứa mầm bệnh truyền từ người này sang người khác, nhất là trong thời điểm Covid-19.
7. Vệ sinh bình xịt hen chưa đúng cách
Mỗi hãng cung cấp thuốc xịt hay hít sẽ có hướng dẫn cách vệ sinh dụng cụ. Tuy nhiên, sau khi ngậm, chúng ta cần vệ sinh ống ngậm. Một số bình thuốc cho phép lấy dụng cụ ra khỏi ống ngậm để làm sạch. Chúng ta cần vệ sinh một tuần một lần để tránh chất bẩn hay thuốc đọng lại ở bên trong.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn
Nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh hen suyễn không thể chữa dứt điểm được. Tuy vậy việc phát hiện và điều trị bệnh hen suyễn càng sớm ở giai đoạn đầu sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm. Dưới đây là một số cách để hạn chế tối đa những triệu chứng mà bệnh gây ra:
1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Bệnh hen suyễn có thể khởi phát bởi một số loại thuốc như aspirin; thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen, naproxen,… thậm chí cả thuốc nhỏ mắt nếu người bệnh không sử dụng đúng cách và theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy, khi dùng thuốc để điều trị đối với bất kỳ một bệnh lý nào người bệnh; cũng cần tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối tránh việc tự ý mua thuốc, sử dụng sai thời gian hoặc sai liều dùng.
2. Tránh gặp các tác nhân gây hen suyễn
Các tác nhân thường gặp gây ra bệnh hen suyễn bao gồm: vật nuôi, mạt nhà, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc; khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn. Cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất là hãy tránh xa các tác nhân gây ra căn bệnh này.
– Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Nếu nằm trong đối tượng dễ mắc bệnh hen phế quản thì bạn tốt nhất; nên tránh tiếp xúc với lông của các loại thú cưng như chó, mèo, chim cảnh…
– Đeo khẩu trang khi ra đường: Không khí hiện nay rất ô nhiễm. Do đó nếu muốn tránh xa các thành phần khói bụi, khói thuốc lá; hóa chất độc hại trong không khí thì bạn cần sử dụng khẩu trang mỗi khi ra đường.
– Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Những người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này.
– Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối; đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên hen suyễn đơn giản, dễ thực hiện.
3. Tập thể dục hợp lý và sử dụng các thực phẩm để tăng sức đề kháng
Để sở hữu cơ thể khỏe mạnh, bạn cần có chế độ ăn uống; sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Theo đó, thực đơn hàng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, chất xơ,… Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể; đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh,…
Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Khi tập thể dục, ngoài các cơ thì phổi sẽ được gia tăng sức mạnh; ngăn ngừa những cơn hen suyễn xảy ra. Tuy nhiên bạn cần tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân.
4. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh
Không khí lạnh là một trong những tác nhân dễ gây ra những đợt hen suyễn cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, vào lúc thời tiết giao mùa hay trở lạnh; bạn hãy giữ ấm cơ thể bằng cách chuẩn bị cho mình những chiếc găng tay; tất, khăn, mũ, áo khoác dày để bảo vệ cơ thể.
5. Thực hiện tầm soát hen và COPD
Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen suyễn là thực hiện tầm soát hen và COPD. Khi thực hiện tầm soát, bạn sẽ được chỉ định khám lâm sàng chuyên khoa hô hấp; chẩn đoán hình ảnh qua chụp X-Quang phổi; đo hô hấp ký có thử thuốc và xét nghiệm công thức máu,… để kiểm tra tình trạng hệ hô hấp.