Nhiều bố mẹ Việt thường có thói quen mắng con ngay trước mặt khách, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết có đông đủ rất nhiều người khi trẻ lỡ làm hành động nào đó trái ý của bố mẹ. Đôi khi ngay cả chính bản thân bố mẹ cũng chưa nhận thức hết được tác hại của những lời quát mắng, giáo huấn ngay lúc đó lên con trẻ.

Dưới đây là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu - một mẹ Việt đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản khi nhiều lần chứng kiến sự tủi thân, ấm ức, và xen lẫn cả sự xấu hổ, tự ti lẫn một chút đau khổ ẩn trong những giọt nước của con trẻ vì bị bố mẹ dạy dỗ ngay trước mặt đông người khi làm sai điều gì đó.

1. Ba mẹ thường mắng con khi nào?

Tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh mà tôi từng chứng kiến rất nhiều lần, là những cô bé cậu bé độ tuổi tiểu học khóc thút thít khi bị ba mẹ mắng trước mặt khách khứa chỉ vì vô tình làm sai một cái gì đó. Hay một cậu bé rơm rớm nước mắt vì tủi thân chỉ vì cậu bé ấy gặp khách lạ nên rất cao hứng nhảy nhót trên ghế rồi gác chân lên ghế, thế là mẹ cậu gọi ra rồi giảng giải cho một bài. Hay đúng hôm nhà có khách mà đứa trẻ thường ngày tự xúc được nhưng hôm nay lại cứ đòi mẹ đút. Mọi hôm thì có thịt gà cũng chẳng động đũa mà hôm nay thì lại cứ nhằm đĩa thịt gà bốc ăn chẳng biết giữ ý tứ gì. Thế là bị ba mẹ la cho một trận trước mặt khách khiến bé òa khóc chạy đi chỗ khác giấu nỗi buồn, sự xấu hổ, và tủi thân trong nước mắt.

Nếu bạn thường xuyên mắng con trước mặt khách thì bạn sẽ giật mình khi đọc bài này

"Nếu cha mẹ luôn mang trong mình suy nghĩ phủ định, tiêu cực về con cái thì con cái cũng sẽ trở nên tiêu cực và trở thành người phủ định như suy nghĩ của cha mẹ".2. Vì sao ba mẹ lại mắng con trước mặt khách?

Ba mẹ muốn mắng con trước mặt người khác có thể xuất phát từ suy nghĩ rằng:

- Muốn uốn nắn con ngay lúc con làm sai để con nhớ lần sau không phạm lỗi nữa.

- Hoặc cũng có khi muốn thể hiện cho bạn bè (khách) thấy rằng mình là bậc cha mẹ nghiêm khắc với con cái, dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn.

- Cũng có thể là muốn cho mọi người thấy rằng bình thường nó rất ngoan đấy, chỉ hôm nay có khách nó mới hư vậy thôi nên nhẹ nhàng thì nhắc nhở con không được làm thế này thế kia, nặng hơn thì lên giọng quát mắng, lừ mắt, chỉ trích hoặc gọi con lại rồi ca cho một bài thật dài…ở trước mặt khách mà chẳng quan tâm xem cảm giác và tâm trạng của con mình khi nhận những lời trách mắng và giáo huấn trong trường hợp ấy sẽ trở nên như thế nào.

Thực tế là càng những cha mẹ có học thức và địa vị cao lại thường là người có xu hướng thích dạy dỗ và tỏ ra nghiêm khắc với con mình trước mặt người khác. Chỉ vì ba mẹ ấy sợ bị người khác đánh giá là mình không biết dạy dỗ con nên phải ra sức chứng minh cho mọi người thấy rằng mình là ba mẹ hoàn hảo. Hoặc đôi khi cố để thanh minh cho mọi người thấy rằng: "Thường ngày nó ngoan lắm, không hiểu sao có khách nó lại như thế đấy".

Nếu bạn thường xuyên mắng con trước mặt khách thì bạn sẽ giật mình khi đọc bài này

Chị Nguyễn Thị Thu cùng chồng và con trai.

3. Vì sao trẻ thường “hư” khi có khách

Khi nhà có khách hoặc khi gia đình tụ tập gặp gỡ giao lưu ở những nơi đông người trẻ thường có xu hướng muốn “thể hiện” mình, và đó là một biểu hiện tâm lí rất bình thường của con trẻ mà cha mẹ cần hiểu. Có thể vì xấu hổ nên trẻ muốn che lấp sự xấu hổ ấy đi bằng hành động khác thường, vụng về lúng túng. Hoặc cũng có khi là vì trẻ rất vui khi được gặp người khác nên trở nên cao hứng thích làm cái này cái kia. Hoặc cũng có thể là muốn gây sự chú ý với những người xung quanh (đặc biệt là các bé trai) nên thích làm những trò mới lạ.

Còn ba mẹ lại chỉ đứng trên lập trường của mình phán xét các hành động của con, chứ không hiểu thấu tâm lí vì sao con muốn làm như thế. Trẻ không hề cố ý muốn làm sai để ba mẹ buồn, nhưng ba mẹ lại trách mắng, nhất là lại trước mặt người khác nữa, vừa xấu hổ vừa khiến lòng tự trọng bị tổn thương, trẻ sẽ trở nên tự ti với bản thân mình đi rất nhiều.

“À, mình chỉ muốn thể hiện bản thân một chút thôi mà cũng không được, lại còn bị mắng trước mặt người khác nữa chứ”, trẻ sẽ mất dần sự tự tin ở bản thân.

Nhất là đối với những trẻ đã lớn, đã biết nhận thức về bản thân hay bắt đầu độc lập trong suy nghĩ thì việc bị ba mẹ mắng trước mặt người khác không chỉ khiến trẻ xấu hổ, mà còn làm trẻ trở nên cứng đầu hơn muốn phản kháng lại cha mẹ, thành ra cha mẹ càng nói trẻ lại càng làm ngược lại.

4. Làm gì khi trẻ “hư”bất thường

Một nguyên tắc cơ bản nhất để dạy dỗ con trẻ khi trẻ làm sai đó là với những “lỗi lầm lớn” thì để khi nào bình tĩnh cha mẹ mới nhẹ nhàng nói chuyện với con về lỗi lầm đó, còn với “lỗi lầm nhỏ” thì hãy nhắc nhở nhẹ nhàng ngay tại đó. Những cơn “hư”bất chợt của trẻ khi nhà có khách trong hầu hết các trường hợp tôi liệt vào“lỗi lầm lớn”, cha mẹ chỉ nên vui vẻ nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không nên quát mắng con ngay trước mặt khách.

Cha mẹ nên nắm rõ nếu ngày thường bé rất ngoan nhưng hôm nay tự nhiên hư, thì hôm nay chỉ là trẻ đang muốn “thể hiện mình”. Vậy thì ban đầu hãy tiếp nhận mong muốn ấy rồi nếu bé có làm sai thì nhẹ nhàng nhắc con là đừng làm như thế, hoặc pha câu bông đùa dí dỏm với con “ái chà con trai thích thể hiện quá đây. Bố (mẹ) biết con rất vui…nhưng…".

Nếu thực sự muốn uốn nắn thì hãy để khi chỉ còn hai ba (mẹ) con với nhau hãy cùng trao đổi về vấn đề đó. “Ba (mẹ) biết là con luôn là cậu (cô) bé ngoan, nhưng hôm nay chỉ có một chút chưa ngoan là…Lần sau con không như thế nữa mẹ sẽ rất tự hào về con…” thì chắc chắn nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều là những lời giáo huấn ngay tại trận.

Còn trong trường hợp với những bé (thường thì đã lớn hơn 6 tuổi) có thể vì xấu hổ khi gặp người lạ nên bé thường hay lúng túng, vụng về, cha mẹ nên rèn luyện cho bé sự tự tin khi gặp gỡ người lạ trước thay vì chỉ trích sẽ chỉ khiến bé thêm mất tự tin mà thôi.

Trẻ sẽ trở nên nhút nhát khi bị mắng quá nhiều lần trước mặt người khác. Ảnh minh họa.

Và tuyệt đối trước mặt người khác đừng bao giờ nói về những khuyết điểm hay những điều bé không muốn ba mẹ nói ra cho người khác biết về mình, càng không nên so sánh bé với bất kì ai khác như anh em, bạn bè mà chủ yếu liên quan đến các vấn đề "tự lập, học tập, tự tin, giúp đỡ việc nhà...". Còn ở những nơi công cộng mà con làm sai thì nhắc nhở con ngay tại thời điểm đó, và không bao giờ nhắc đi nhắc lại khuyết điểm ấy của con trong những tình huống khác.

Ngoài ra, tôi nghĩ điều quan trọng nữa là cha mẹ đừng bao giờ lo sợ người khác nghĩ gì về con mình, hoặc đánh giá con mình là hư chỉ thông qua một vài hành động mà mình cho là không được ngoan như ngày thường. Mắng con ngay trước mặt người khác chính là một hành động phủ nhận con người của trẻ một cách tiêu cực nhất vì nó vừa khiến trẻ bị xấu hổ, vừa ám thị cho trẻ rằng “thể hiện bản thân” như thế là không được, dần dần cá tính sẽ bị thui chột đi.

Trẻ sẽ không còn vui vẻ muốn khẳng định bản thân mình nữa. Và xa hơn là mối quan hệ cha mẹ và con cái sẽ trở nên xa cách chỉ vì ba mẹ luôn coi trẻ là "con cái của mình”, “là vật sở hữu của mình” mà quên mất đi rằng trước hết hãy coi trẻ như một cá thể độc lập, một con người riêng độc lập cần được tôn trọng.

Bản thân tôi quan niệm "nếu cha mẹ luôn mang trong mình suy nghĩ phủ định, tiêu cực về con cái, thì con cái cũng sẽ trở nên tiêu cực và trở thành người phủ định như suy nghĩ của cha mẹ".

Vài nét về tác giả: Chị Nguyễn Thị Thu là một mẹ Việt có một cậu con trai 2 tuổi đáng yêu đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Chị đang theo học tiến sỹ năm thứ 3 tại ĐH Tsukuba. Chị Thu là mẹ Việt có nhiều quan điểm nuôi dạy con thú vị được nhiều bà mẹ chia sẻ. Chị đồng thời là dịch giả của cuốn sách: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” được rất nhiều bà mẹ trẻ tìm đọc. Chị là người đầu tiên giới thiệu văn hóa đọc ehon (truyện có tranh minh họa cho trẻ 0-10 tuổi) cho con của cha mẹ Nhật đến đông đảo cha mẹ Việt Nam. Đồng thời, chi là thành viên điều hành của nhóm dịch truyện SakuraKids, nhóm đã và đang tích cực hợp tác với các nhà xuất bản để đưa rất nhiều ehon đặc sắc của Nhật đến với các em nhỏ ở Việt Nam.