Trong cuộc sống này, món quà đẹp nhất mà bạn có thể dành tặng các con hôm nay là gì? Đó là những khoảnh khắc đẹp của yêu thương, là niềm vui khám phá từ những điều nhỏ bé thường nhật. Thực hiện 3 điều này mỗi ngày sẽ giúp bố mẹ và con kết nối thật sâu và thật lâu, dù thời gian bên nhau không có quà nhiều. Đừng quên rằng tuổi thơ của con chỉ có 1 lần thôi bố mẹ nhé.
1. Lắng nghe lời con nói, cho con cơ hội giải thích trước khi quát mắng
Đôi khi con bạn cảm thấy thật buồn vì một nỗi thất vọng, một trận cãi cọ, một sự cố ở trường… Nguyên nhân của chúng thật khó hiểu và vô lý với bạn, nhưng hãy ngồi xuống và lắng nghe con.
Thay vì phủ nhận mọi cảm xúc tiêu cực của con, hãy cúi xuống bên con, đồng cảm với nỗi buồn của con và nói rằng "Bố (mẹ) hiểu là con đang buồn". Hãy ôm con bạn vào lòng nếu bé muốn, nhẹ nhàng trò chuyện và nhắc con hít thở thật sâu.
Trở lại cảm nhận cơ thể của chính mình giúp con thôi nghĩ đến những điều gây nên nỗi buồn đang ngồn ngộn trong đầu. Khi được kết nối và sẻ chia cảm xúc, trẻ sẽ cởi mở hơn và tâm sự với bạn những cảm nhận riêng.
Có rất nhiều bố mẹ thừa nhận rằng họ đã rất nóng giận khi con làm sai, thế nhưng khi biết được chính xác lý do đằng sau thì họ lại cảm thấy vô cùng ân hận vì đã trách phạt con nhầm. Đừng để bản thân phải rơi vào tình cảnh đó nhé bố mẹ.
2. Dành thời gian chất lượng cho con
Tuổi thơ của con chỉ có 1 lần và chẳng hề lặp lại. Đừng vì quá bận rộn mà bỏ qua mất giai đoạn đáng quý này. Thời gian không cần nhiều nhưng nhất thiết phải hiệu quả, có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào con mà không có sự can thiệp của thiết bị điện tử hay việc nào khác.
Mỗi gia đình sẽ có những nguyên tắc và luật lệ trong việc nuôi dạy con cái, được quyết định và thống nhất bởi cả bố lẫn mẹ. Cách hành xử, lời nói lẫn hành động của bố mẹ đối với bất kì việc gì cũng sẽ tác động rất lớn lên con cái của họ. Nếu một đứa trẻ chỉ cần làm sai là bị đánh, đòn roi thì đó không phải là đứa trẻ được sống trong môi trường hạnh phúc.
Nhiều bố mẹ không dùng đòn roi nhưng lại hay nạt nộ, mỉa mai, khích bác con bằng những lời khó nghe. Cách này cũng hoàn toàn đem lại kết quả tiêu cực, bạn nên biết đôi khi một lời nói có tính sát thương gấp nhiều lần hành động đánh mắng. Việc đánh đòn hay quát tháo đều không được ủng hộ trong bất cứ trường hợp nào.
Trẻ con cần được dạy bằng sự tôn trọng, lắng nghe từ cha mẹ. Để làm tốt điều này, đầu tiên bạn cần gạt bỏ những áp đặt suy nghĩ của mình trên trẻ, học cách làm bạn, làm người hướng dẫn của trẻ và trẻ sẽ tự biết cách xây dựng giấc mơ của chính con. Nên nhớ mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, đừng đánh đồng, so sánh trẻ với bất kì ai khác.
3. Tâm sự với con trước giờ đi ngủ
Đây chính là cách tốt nhất để kết nối cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình. Trò chuyện với con là cả một nghệ thuật mà nếu thiếu sự tinh tế, bố mẹ dễ khiến mối quan hệ bố mẹ và con cái sẽ có sự xa cách. Nhiều khi, những câu hỏi đơn giản như: "Ngày hôm nay của con thế nào?" cũng có thể khiến con không muốn ở cạnh hay dành thời gian với bố mẹ. Đó là lý do vì sao bất kể con nhỏ hay lớn, việc bố mẹ cần làm chính là đặt mình vào con, xem thử con thực sự cần gì.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian chất lượng cho con bằng cách tập trung chơi với trẻ. Việc bạn vừa làm việc vừa nói chuyện với con khiến con cảm thấy mình không quan trọng đối với bố mẹ. Trái với suy nghĩ của bạn, trẻ con không phải lúc nào cũng có tâm trạng để nói chuyện đâu. Thế nên một khi con đã chủ động nói chuyện với bạn nghĩa là con cần sự chú ý cao độ của bạn.
Nếu không nhận được sự quan tâm, con sẽ dễ mang tâm lý mình không phải là ưu tiên của bố mẹ, không quan trọng với bố mẹ. Từ đó, con lại càng thu mình, không muốn chia sẻ cảm xúc với bố mẹ nữa. Đó là lý do khi trẻ đã tìm đến bạn nghĩa là trẻ có chuyện quan trọng cần nói. Dừng việc bạn đang làm, giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt và hoàn toàn tham gia vào cuộc trò chuyện, đó là những gì bạn nên làm để con tin tưởng mình hơn.
Ngay cả khi vấn đề đó đối với bạn thật đáng buồn cười, bạn vẫn phải nghiêm túc với vấn đề con đang gặp phải. Thay vì cười cợt, bạn nên chia sẻ về những trải nghiệm hay ký ức của bạn về vấn đề này nếu có để giúp con có cách giải quyết vấn đề tốt hơn.
Ngoài ra, những chuyện thầm kín con đã thổ lộ, bạn cũng không được kể với ai khác. Con đã rất tin tưởng mới kể bí mật của mình với bố mẹ và việc bạn kể với mọi người sẽ khiến con càng muốn giữ kín bí mật với bố mẹ. Đó là hành vi làm tổn thương lòng tự trọng của con mà bố mẹ nhất định không được phạm phải.