Bạn đã từng nghe đến từ “Bần dưỡng”? Vậy “bần dưỡng” là gì và tại sao hai từ này lại là cách dạy con ngoan từ bé mà cha mẹ thông minh nên áp dụng? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời chính xác cho vấn đề này.
“Bần dưỡng” là gì?
Nói một cách nôm na và dễ hiểu nhất thì “bần” có nghĩa Hán Việt là “nghèo”, “dưỡng” có nghĩa là “nuôi dưỡng”. Vì vậy, “bần dưỡng” hiểu theo nghĩa đen là “nuôi dưỡng theo kiểu con nhà nghèo”. Hiểu theo một cách rộng hơn một chút là cách nuôi con có sự hạn chế về mặt vật chất. Từ đó, giúp con biết trân quí công sức lao động và luôn tự cố gắng trong cuộc sống.
“Bần dưỡng” là cách dạy con ngoan từ bé mà cha mẹ thông minh nên áp dụng
Từ cách định nghĩa ở trên, đến đây chắc hẳn bạn đã hình dung ra những việc cha mẹ cần phải làm trong vấn đề nuôi dạy con cái. Với cách dạy này, cha mẹ không nên quá nuông chiều con trẻ mà nên giới hạn sự hưởng thụ về mặt vật chất của con. Để giúp con bồi dưỡng khả năng chịu khổ, năng lực tự lập cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Khi áp dụng cách dạy con như vậy, ngay từ nhỏ, con bạn sẽ hiểu rõ giá trị của sức lao động. Qua đó, trẻ sẽ có một tâm thái đúng đắn và có một thế giới quan rõ ràng về xã hội. Trẻ sẽ hiểu rằng phải sử dụng năng lực của bản thân một cách đúng đắn để giúp sáng tạo một cuộc sống đầy đủ vật chất cho bản thân và cho gia đình.
Nói theo một khía cạnh khác, “bần dưỡng” cũng là cách dạy trẻ tự lập sớm mà cách dạy con của người Nhật đã thực hiện khá tốt vấn đề nuôi dạy này. Thực tế, người Nhật có câu nói nổi tiếng như sau: “Ngoài ánh mặt trời và không khí là thiên nhiên ban tặng ra, hết thảy những thứ khác đều phải thông qua lao động mới có được”. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã tự xúc ăn, tự đeo ba lô của mình vì chúng rất thấm nhuần suy nghĩ “Không nên thêm phiền phức cho người khác”.
Bên cạnh đó, cha mẹ Nhật cũng dạy con về việc biết tiết kiệm từ sớm. Cha mẹ chỉ cho con “mức vừa đủ” ở những khoản cố định như ăn uống, học hành,… để chúng không có cơ hội được thụ hưởng bất kỳ điều xa xỉ nào. Với những “nhu cầu vượt thêm” (ví dụ như mua một bộ đồ chơi mới chẳng hạn), con cần lao động như phụ giúp công việc nhà để kiếm tiền chi trả cho những khoản phát sinh đó.
Ngoài ra, theo độ tuổi lớn dần của con, cha mẹ cũng từ từ dạy con cách truy tìm căn nguyên để giải quyết vấn đề. Khi trẻ đã hiểu được rõ bản chất vấn đề, trẻ sẽ tự học cách xử lí vấn đề. Qua đó, trẻ cũng tự học được rất nhiều điều trong quá trình và cách thức xử lí vấn đề của mình. Nhờ đó, con trẻ sẽ có một tâm thái vững vàng trước những biến động có thể xảy ra trong cuộc sống.
Cha mẹ thông minh cần biết cách “làm biếng” đúng lúc và chỉ khen ngợi trong chừng mực cho phép.
Tình yêu cha mẹ dành cho con là vô bờ bến nhưng hãy chỉ nên thể hiện trong một chừng mực cho phép. Vì quá yêu thương và chiều chuộng sẽ vô tình khiến con trẻ trở nên phụ thuộc vào cha mẹ hơn.
Xem thêm:
Thế nên, tùy vào từng độ tuổi của con trẻ, hãy tạo điều kiện cho con được tự lập bằng cách trở thành cha mẹ “lười biếng”. Ví dụ, hãy để con tự xúc cơm ăn khi được 1 tuổi, 2 tuổi tự dọn đồ chơi hay 4 tuổi biết tự gấp quần áo,…
Tuy đơn giản nhưng bạn cũng cần phải kiên trì và kiên quyết khi trở thành cha mẹ “lười biếng”. Nếu không, cha mẹ sẽ “thua” trong quá trình dạy con tự lập. Hãy học cách chấp nhận những điều không hoàn mỹ của con, hạn chế những đòi hỏi quá khả năng của con và hãy học cách chờ đợi con tự hoàn thiện kỹ năng tự lập của mình.
Hãy học cách cho con một không gian riêng để tự phát triển. Đừng thỏa mãn tuyệt đối các yêu cầu của con trẻ, cho dù những yêu cầu đó nằm trong khả năng đáp ứng của bạn. Đừng tạo tính tự mãn cho trẻ, đừng biến con thành “cái rốn của vũ trụ” bằng những lời khen quá mức. Hãy học cách khen tặng bằng những lời khen trong chừng mực để nuôi dưỡng tâm hồn con và không làm nhụt ý chí cố gắng của con trẻ.
Với cách dạy con ngoan từ bé như vậy, con cái của chúng ta sẽ nhận được sự giáo dục tốt, xây dựng được một nền tảng chuẩn mực và vững chắc để con vào đời thành công.