Cảm giác đến kỳ nguyệt san có thể khiến bạn vô cùng khó chịu, nhất là khi cơn đau trầm trọng hoặc khi bạn có cảm giác không thể kiểm soát nổi dòng chảy của kinh nguyệt.
Không ai có một cơ thể hoàn hảo và mọi kỳ nguyệt san đều khác nhau. Nhưng chắc chắn có những khía cạnh nhất định của khoảng thời gian “đèn đỏ” này mà hầu như tất cả chị em đều đã trải qua, như cảm giác mệt mỏi, trướng bụng. Khi phải chịu đựng sự đau đớn và co thắt ở bụng, đôi lúc bạn thấy như thế giới sụp đổ và cố gắng bám vào suy nghĩ rằng cảm giác khó chịu ấy sẽ sớm qua thôi cũng không giúp bạn thấy nhẹ nhàng hơn.
Để thoải mái bước qua kỳ “đèn đỏ”, bạn có thể áp dụng những cách giải quyết nhanh cho 6 rắc rối lớn trong những ngày này như dưới đây:
1. Mệt mỏi
Với rất nhiều chị em, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất mỗi lần “đến tháng” và cả khoảng thời gian tiếp nối sau đó. Tình trạng mệt mỏi bắt nguồn từ việc mất cân bằng hormone – khi kết hợp với việc giữ nước và cảm giác đầy hơi trướng bụng – có thể khiến bạn thấy đặc biệt rã rời.
Để chống lại sự thèm muốn được nằm nhà ngủ nghỉ nguyên tuần, hãy tránh ăn đồ ngọt trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và tích cực tập luyện vào tuần trước khi nguyệt san "gõ cửa". Nếu cảm giác mệt mỏi vẫn không thuyên giảm, tắm bằng nước ấm cũng sẽ giúp bạn dễ chịu hơn.
2. Co thắt và đau bụng
Những cơn đau khủng khiếp, giống như kiểu khiến bạn chỉ muốn cong người lên một quả bóng và không bao giờ xuống, có mối liên hệ với nhiều thứ. Một nghiên cứu mới đây gợi ý rằng, tình trạng viêm nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn tới mọi cơn đau.
Do đó, hãy chuẩn bị cho kỳ nguyệt san của mình bằng những thực phẩm kháng viêm như củ nghệ. Tránh đồ ngọt, đồ mặn và quá nhiều caffeine – chúng đều có thể làm cảm giác đau bụng co thắt tồi tệ hơn. Nhưng hãy nhớ bổ sung đủ chất xơ trong bữa ăn hàng ngày - việc này chắc chắn có tác dụng giảm đau bụng kinh. Tập Yoga cũng là một lựa chọn tốt.
3. Nổi mụn
Nổi mụn ngay trước hoặc trong thời gian kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ. Đó là do “tàu lượn siêu tốc” mang tên hormone có nhiệm vụ kiểm soát mọi thứ cũng đã tác động lên làn da.
Tránh ăn đồ ngọt và mặn trước kỳ nguyệt san. Bổ sung thêm rau và trái cây vào bữa ăn của bạn là cách tốt để tránh nguy cơ mọc mụn. Bạn cũng có thể thử đắp mặt nạ bùn - loại giúp làm sạch sâu lỗ chân lông 1 tuần trước ngày “đèn đỏ”. Nếu mụn vẫn tấn công khuôn mặt bạn, có thể thử trị mụn bằng mỹ phẩm chứa acid salicylic như bạn vẫn thường làm và chọn loại dưỡng ẩm không dầu giúp da không bị mất nước.
4. Stress
Cảm giác căng thẳng trong suốt kỳ kinh nguyệt là một rắc rối thực sự vì, một lần nữa, sự dao động của lượng hormone khiến cảm xúc của bạn thăng giáng bất thường. Đặc biệt khi bạn có xu hướng dễ bị lo lắng, trầm cảm hay thay đổi tâm trạng khó kiểm soát trong khoảng thời gian còn lại của tháng, chu kỳ kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt có thể biến những thứ nhỏ xíu trở nên nghiêm trọng thái quá.
Tập yoga và thiền thực sự là lựa chọn tối ưu cho bạn trong trường hợp này. Dành ra vài phút để hít thở, vươn vai và gạt bỏ mọi ưu tư trong đầu mỗi buổi sáng trong kỳ kinh, ngày hôm đó của bạn sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.
5. Tâm trạng đi xuống, dễ cáu kỉnh
Tương tự stress, việc cảm giác dễ nổi khùng lên, dù trước một việc nhỏ nhặt, hoàn toàn có thể ghé thăm bạn trong thời gian “đèn đỏ”, nhất là khi bạn đang phải đối mặt với những hội chứng liên quan tới thay đổi tâm trạng như chứng rối loạn lưỡng cực (hay còn gọi là bệnh hưng - trầm cảm, biểu hiện đặc trưng là sự thay đổi rõ rệt tâm trạng, cảm xúc, hành vi và năng lực cá nhân).
Điều thú vị là cảm giác nóng thực sự có thể giúp bạn loại bỏ cái nóng trong đầu, vì vậy, hãy uống nước ấm hay tắm nước nóng có nhỏ vài giọt tinh dầu. Một buổi tập luyện cường độ cao một chút cũng có thể làm cảm giác giận dữ, cáu kỉnh nguôi ngoai. Nhớ rằng, ở giai đoạn này, mọi cảm xúc của bạn đều mạnh hơn thường ngày khá nhiều. Vì vậy, hãy cố gắng để không trút những bực tức, tiêu cực lên bạn bè hay người thân.
6. Cảm thấy buồn bã
Kỳ kinh nguyệt và hội chứng tiền kinh nguyệt có thể khiến bạn xuống tinh thần, đôi khi theo một cách khá dữ dội. Thủ phạm không ai khác chính là hormone, chính xác là sự thay đổi hormone trong thời kì này.
Nói chuyện với một người bạn hay người thân trong gia đình, hoặc một cố vấn nếu bạn thấy quá mức buồn bã, chán nản trong kỳ kinh. Bạn cũng nên chăm sóc cơ thể mình bằng cách tập yoga hay áp dụng các kỹ thuật kháng viêm như lựa chọn đồ ăn để giảm bớt sự trầm trọng của cảm xúc. Hơn hết, bạn hãy cố gắng tìm kiếm những thứ giúp bạn thấy phấn chấn hơn và có thể cười vui hơn trong thời gian “đèn đỏ” như một bộ phim hài yêu thích hay một trò chơi với bạn thân. Có thể thật khó để giao lưu trong thời gian này, nhưng nó thực sự sẽ giúp bạn vững vàng hơn.
Trường hợp bạn nhận thấy những cảm xúc mình có trong chu kỳ kinh nguyệt luôn quá mạnh và khiến chính bạn thấy sốc, thấy hoảng sợ, rất có thể bạn bị hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) - một dạng nặng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Hãy ghi nhật ký tâm trạng hàng tháng của bạn bằng một vài câu mô tả bạn cảm thấy thế nào, bạn sẽ nhận ra ngay có gì bất thường. Nếu bạn vẫn có những suy nghĩ trầm uất, tiêu cực trong hay xung quanh chu kỳ kinh nguyệt, hãy đi thăm khám và xin tư vấn về PMDD.
Do ít được biết đến hơn so với các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, PMDD khó chẩn đoán hơn. Nhưng hiểu rằng, bạn đang phải đối mặt với thứ gì đó nghiêm trọng và bạn cần quan tâm nhiều hơn tới chính bản thân mình, là bước đầu tiên.