Meg Thompson là một cựu giảng viên từng giảng dạy đại học tại Oklahoma, Mỹ. Từ kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, bà đã rút ra bài học sâu sắc về giáo dục con cái:
Tôi đang đứng sau bục giảng để chuẩn bị giấy tờ và đợi lớp học bắt đầu thì nghe thấy một câu hỏi rất lạ.
"Cô có nghĩ rằng chúng ta đều ngốc nghếch không?"
Tôi nhìn lên khuôn mặt của một trong những học sinh giỏi nhất của mình. Tôi đã luôn cố gắng để giúp em ấy trở thành một chuyên gia tiếng Anh, và vẫn thường sử dụng các bài luận của em làm ví dụ cho cả lớp.
“Không hề,” tôi nói, hy vọng sẽ che đi sự lo lắng của mình. "Sao em lại hỏi vậy?"
"Vì chúng ta đều lo lắng khi tuyết rơi," cô nói.
Tôi thở phào. Khi giảng dạy ở Oklahoma, tôi rất nhanh đã biết được các học sinh luôn thiếu thốn trang phục khi gặp tuyết rơi, và đã bình tĩnh giải thích rằng thật khó để chuẩn bị cho một điều hiếm khi xảy ra như thế.
Sự thật là tuyết gần như không phải là vấn đề. Các học sinh của tôi gặp những vấn đề khác đáng quan ngại hơn. Chủ yếu ở đây là vấn đề liên quan đến các bậc cha mẹ.
Trên cương vị là một giảng viên đại học, đồng thời là một người mẹ như bao người mẹ khác, tôi muốn các bậc phụ huynh biết rằng tôi đứng về phía họ, và tôi đang chia sẻ lời khuyên của mình sau khi đã đứng sau bục giảng đại học trong suốt 13 năm. Tất cả những gì tôi muốn là tất cả những đứa trẻ đều thành công. Và để góp phần làm được điều đó, hãy nhớ:
Đừng nói thay con
Không có gì lạ khi tôi nhận được email từ các bậc cha mẹ hỏi cách họ có thể giúp con học tốt hơn. Tôi từng nghĩ về việc đáp lại bằng một dòng duy nhất: "Đừng nhắn tin cho tôi nữa."
Tôi đã có tiếng là thẳng thừng. Nhưng đến tuổi này rồi mà khi cha mẹ vẫn tham gia vào việc học hành của con cái, thì khi nào mới kết thúc? Rõ ràng con bạn mới là người nên nói chuyện với giáo viên hay người hướng dẫn.
Có thể có một số giáo viên không quan tâm đến thành công của con bạn, nhưng như vậy thì nhắn tin hay gửi email cũng sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Thế giới đầy rẫy những người không quan tâm. Tôi hiểu mỗi phụ huynh đã nhắn tin cho tôi đều có chủ ý tốt như thế nào, nhưng người đăng ký vào đại học là những đứa trẻ, không phải cha mẹ chúng.
Phạm sai lầm cũng tốt
Tôi không thể nhớ nổi có bao nhiêu lần đã nghe câu: "Em không biết phải viết về cái gì, vì vậy em đã hỏi mẹ". Những học sinh phải tìm đến sự giúp đỡ của cha mẹ là những người thiếu tự tin, thiếu sự độc lập và tính tò mò.
Con cái của các bậc cha mẹ đã gửi email cho tôi cũng tương tự như vậy. Tôi có rất nhiều sinh viên mắc chứng khó đọc, ADHD hoặc rối loạn lo âu, và tôi đã làm việc cùng những sinh viên này, giúp chúng có gia sư và khuyến khích chúng đến trung tâm viết hoặc tham khảo ý kiến của một thủ thư nghiên cứu.
Các trường đại học có đầy đủ các nguồn tài nguyên không được sử dụng hết.
Và vào đại học trước tiên là phải học tập, chứ không phải là đã biết tất cả mọi thứ.
Không vào đại học cũng không sao
Khi sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học tập, tôi sẽ gọi chúng vào văn phòng và hỏi tại sao chúng lại vào đại học. 10 đứa thì có tới 9 đứa sẽ trả lời rằng: "Bởi vì cha mẹ bảo em vào.”
Đây không phải là một sai lầm mà tôi khuyến khích. Đại học vốn không phải là con đường lập thân duy nhất, và không phải ai cũng phù hợp với môi trường có tính học thuật cao như đại học.
Một số người hiểu được điều đó, nhưng nhiều người thì không. Tuy nhiên, tôi có thể nói với bạn rằng những sinh viên “phi truyền thống” của tôi thường mang trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết mà một đứa trẻ 18 tuổi bình thường không có.
"Nghỉ học, về nhà", tôi từng nói với các sinh viên kia như vậy. "Và khi em sẵn sàng quay lại, cô sẽ ở đây chờ em."
Tôi yêu giáo dục và tin tưởng vào khả năng của nó, nhưng tôi sẽ không cứng đầu khuyến khích con học đại học. Tôi sẽ giúp chúng phát triển sự đồng cảm, chánh niệm và sự sáng tạo, và hy vọng chúng sẽ quyết định tự đi trên đôi chân của chính mình.