Trong một bài viết mới đây trên mạng xã hội có chủ đề "Không bắt trẻ học thêm tiếng Anh", qua câu chuyện về một "bác từ quê lên Hà Nội kiếm sống cho hai đứa con gái 5 và 9 tuổi đi học tiếng Anh" nhà thơ, thầy giáo Thái Bá Tân có chia sẻ rằng: "Người lớn, nhất là sinh viên, thì không chịu học, lại bắt trẻ con nói chưa sõi học và mất cả núi tiền. Khuyên các bác không cho con học thêm tiếng Anh, đặc biệt khi còn nhỏ. Tốn tiền, tốn thời gian của bố mẹ và các cháu. Mà kết quả thì gần như con số không. Tôi là chuyên gia dạy tiếng Anh đấy, có thể là chuyên gia hàng đầu. Học đến mấy rồi cũng quên. Chờ đến lớp 10, thì cho các cháu học, học nghiêm chỉnh, liên tục cho đến hết phổ thông. Ba năm là đủ".
 
Trong một bài thơ của mình, nhà thơ, thầy giáo Thái Bá Tân cũng đã từng bày tỏ một cách hài hước quan điểm này của mình:
 
Khi con bạn còn nhỏ,
Không học nhiều làm gì.
Không cần chạy theo điểm.
“Bé ngoan” thì quên đi.
Cho chúng chơi thoải mái,
Tuổi chúng là tuổi chơi.
Với chúng, chơi là học.
Quan trọng là tiếng cười.
Còn chuyện học English,
Thích thì học cho vui.
Học ít, kiểu đùa nghịch.
Vì biết, lại quên thôi.
Không thuê thầy cô dạy.
Không trường chuyên làm gì.
 
Ngay lập tức, quan điểm này thu hút sự tranh luận của nhiều cha mẹ quan tâm đến việc đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm. Hiện nay, giáo dục sớm trong giai đoạn con từ 0 -6 tuổi đang là một chủ đề nóng trên mọi diễn đàn làm cha mẹ, việc cho con học ngoại ngữ từ sớm được nhiều cha mẹ theo đuổi để phát huy tối đa tiềm năng ngôn ngữ và trí não của con, chính vì thế, bên cạnh một số ít những bình luận đồng tình với quan điểm "không cho trẻ học tiếng Anh từ sớm" thì phần lớn các bố mẹ đều cho rằng đó là một quan điểm lạc hậu và sai lầm. Một loạt dẫn chứng đã được các bố mẹ đưa ra để chứng minh cho quan điểm của mình.
 
Một mẹ có nick Phung Minh Ngoc cho rằng: "Cho trẻ con tiếp xúc với tiếng Anh sớm rất tốt chứ. Khi trẻ dưới 5 tuổi con học nhưng thực chất là đi chơi, nhưng chơi bằng tiếng Anh. Thay vì bỏ tiền ra cho con đi khu vui chơi ở các trung tâm thương mại, thì cho con tham gia các hoạt động bằng tiếng Anh tốt chứ sao không. Đi học có người dạy con hát tiếng Anh, vận động, nhảy múa bởi không có trung tâm tiếng Anh nào lớp cho trẻ con mà ngồi học như các anh chị ôn thi đại học cả. Vài buổi đầu con chưa quen có thể sẽ không hiểu nhưng chỉ sau vài buổi con sẽ hiểu và dần dần tư duy ngôn ngữ rất tự nhiên.
 
Học tiếng Anh từ sớm
Được tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm là một cơ hội tuyệt vời giúp trẻ phát triển trí thông minh hay không phụ thuộc rất nhiều vào công sức và thời gian mà bố mẹ dành cho con. (Ảnh minh họa)
 
Không bình luận trực tiếp về việc nên hay không nên cho con học tiếng Anh từ nhỏ, nhưng chị Phan Hồ Điệp, mẹ của cậu bé Đỗ Nhật Nam với nhiều thành tích "khủng" về tiếng Anh cũng đã có một chia sẻ nhẹ nhàng nhưng chí lí được hàng nghìn người ủng hộ. Trong chia sẻ "Học ngoại ngữ từ nhỏ có vui không?" của mình chị đã liệt kê ra những niềm vui mà chị và Nhật Nam đã trải qua như:
 
1. Được chơi nhiều trò chơi, được hoạt động nhiều: Bạn còn nhỏ, học mà không vui là bạn không thèm học luôn. Vậy nên mới có nhiều trò chơi. Vậy nên mới chạy nhảy ầm nhà. Như cái trò: Đức Vua cần..., sau cái dấu ba chấm là phải đi tìm đồ vật. Phải căng óc nghĩ xem từ tiếng Anh ấy có nghĩa là vật gì rồi lục lọi khắp nhà. Được “học mà như không học” vui lắm luôn.
 
2. Được bố mẹ “cấp phép” cho xem băng phim hoạt hình tiếng Anh. Bình thường muốn xem ti vi là phải nằn nì mẹ ghê lắm á. Nhưng nếu băng đĩa bằng tiếng Anh thì bố mẹ có thể dễ dàng gật đầu cái rụp, mỗi ngày 30 phút, bạn được cười thả ga với những băng phim hoạt hình vui nhộn, đáng yêu..
 
4. Được tiếp xúc với những cuốn sách học đẹp mê tơi, giấy trắng tinh, mềm mịn. Đã thế lại còn có nhiều hình vẽ đẹp. Đã thế lại còn có nhiều câu chuyện hay. Đã thế lại còn bày ra nhiều kiểu học. Cầm cuốn sách thôi đã thấy bao điều hấp dẫn chờ mình phía trước.
 
5. Được đọc những cuốn truyện dễ thương vô đối. Có khi cả trang chỉ có mấy chữ tiếng Anh thôi. Như câu chuyện “Cái đuôi của tôi”, mỗi trang chỉ độc một dòng: “Đây là cái đuôi của...”. Thế thôi mà xem đi xem mãi không chán vì quá đẹp.
 
6. Được lên mạng xem các clip về dạy nấu ăn bằng tiếng Anh rồi hướng dẫn lại cho mẹ. Cẩn thận và hồi hộp, háo hức và chờ đón. Liên quan đến ăn uống cơ mà!
 
7. Được tìm hiểu, khám phá về những vùng đất khác, xa thật xa, nơi đó người ta có những lễ hội vui thật vui, người ta ăn uống cũng khác mình. Nơi đó có những em bé cũng đáng yêu như mình. Và thế là mơ mộng. Và thế là ước mong...
 
8. Được rèn luyện cho bộ máy phát âm của mình thật là cừ. Có những từ khó lắm nhé, nhưng mình vẫn phát âm ổn.Vì mình còn nhỏ, mọi thứ đều mềm như đất sét í, dễ thay đổi, dễ “vào khuôn”.
 
9. Được học thuộc, được tự tin biểu diễn những bài hát tiếng Anh dễ thương. Cả bài hát chỉ có mấy câu: Chào con, mẹ yêu con. Con chào mẹ, con cũng yêu mẹ. Cứ ngân nga cả ngày không chán. Vì mình yêu mẹ mình đến thế cơ mà.
 
Và theo chị Phan Hồ Điệp: "Cứ thế, với 9 điều đáng yêu (hoặc còn nhiều hơn nữa), bạn nhỏ yêu thích việc học tiếng Anh. Không cần bố mẹ ép, không cần nhắc nhở, bạn học để hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình, một tuổi thơ có nhiều khác biệt so với thời của ông bà, bố mẹ bạn. Và dẫu khi lớn, bạn có lỡ “quên” tiếng Anh thì ít nhất, những gì đi qua tuổi thơ cũng như những ánh trăng bên bậc thềm, lung linh mãi trong tâm trí. Cứ nhẩn nha chơi mà học. Còn khi bố mẹ thấy căng thẳng, thấy quá tốn kém. Rồi khi con học không vui thì dừng lại ha. Cho con được lựa chọn môn học nào con thích, bố mẹ nhé."
 
Một người mẹ có con 3,5 tuổi và đã dạy tiếng Anh tại nhà cho con được hai năm cũng chia sẻ quan điểm cá nhân về việc "tại sao nên cho trẻ học tiếng Anh từ sớm", theo chị, việc thành thạo hai ngôn ngữ trở lên khiến trẻ thông minh hơn và quan trọng là con có cơ hội được tiếp cận với nguồn sách tiếng Anh tuyệt vời để mở rộng khả năng ngôn ngữ.
 
Chị Hà Chũn, một hotmom trong cộng đồng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ tự nhận mình luôn đứng về phương án phát triển tự nhiên, tôn trọng điểm chín của từng đứa trẻ để bé có thể phát huy được những bộc phá trong nhận thức và học theo đúng tốc độ phù hợp với bản thân trẻ. Vì thế chị nghĩ rằng: "Trẻ em có một cửa sổ mở về ngôn ngữ, thời điểm cực kỳ nhạy cảm mà các con có thể tiếp nhận bất cứ một ngôn ngữ nào với một tốc độ chóng mặt (trẻ 3 tuổi có thể tạo được vốn 2000 từ ngoại ngữ cơ bản khi được tiếp cận thường xuyên), trẻ học thông qua chơi và khám phá - cách học tự nhiên nhất và lâu bền nhất, dù đó là ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngoại ngữ. Lứa tuổi đó là 2-6 tuổi, khi trẻ mới biết nói, thực sự có nhu cầu giao tiếp do đó trẻ tìm hiểu về môi trường xung quanh, làm giàu vốn từ, học nói và trở thành chuyên gia ngôn ngữ bằng tất cả những gì trẻ va chạm hàng ngày, cách này trẻ xây dựng vốn ngôn ngữ một cách trôi chảy, tự nhiên, hiệu quả và tốn ít công sức nhất".
 
Thông qua các tài liệu cá nhân tìm hiểu và đọc, chị cũng chia sẻ rằng: "2-6 TUỔI LÀ THỜI KỲ VÀNG ĐỂ HỌC NGÔN NGỮ VÀ NGOẠI NGỮ. Đây là thời kỳ trẻ tạo dựng nền tảng về ngôn ngữ, kiến thức, hình ảnh, khái niệm, tính cách và nhiều đặc điểm khác. Và cách trẻ học, không phải thông qua chữ viết giấy bút mà qua 6 “ngõ” nhỏ của não: học thông qua nhìn, nghe, nếm, sờ, ngửi và hành động. Thời kỳ này học ngoại ngữ hay học tiếng mẹ đẻ đều dễ như nhau, và tuyệt vời nhất là trẻ hoàn toàn không bị nhầm lẫn. Vì thế, thực sự sẽ là một lãng phí lớn nếu bỏ qua giai đoạn phát triển vàng về ngôn ngữ của con, bởi những năm năm sau này, những ngôn ngữ bé học được đều dựa trên những thông tin của 4 năm quí giá này (chưa kể, sau 6 tuổi bé đi học thì sức ép học đường lại càng cản trở và hạn chế thời gian và ham muốn “học” ngoại ngữ của các con". Theo chị, nếu có điều kiện thì nên cho các con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt.
 
Vui chơi và học hỏi là nhu cầu tự nhiên của mọi đứa trẻ, chính vì thế, khi bố mẹ thực sự dành thời gian chất lượng cho con mỗi ngày để hiểu cá tính, sở thích, mong muốn của con thì không chỉ riêng việc học tiếng Anh mà trong mọi vấn đề khác liên quan đến con bố mẹ cũng sẽ đều tìm ra một "bài toán" phù hợp nhất để đồng hành cùng con vào lúc con sẵn sàng nhất, điều đó quan trọng hơn rất nhiều việc "sớm hay muộn và lợi hay hại".