Nếu con bạn phải học tới 10 giờ tối mỗi ngày mà chưa thể đi ngủ, thì có thể chương trình học được thiết kế có những sai lỗi cần phải sửa. Là cha mẹ, bạn cần ưu tiên sức khỏe của con cao nhất, cao hơn việc học, và cần có đủ dũng cảm cho phép con dừng lại.
Anh Bùi Khánh Nguyên từng là một giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế và hiện là diễn giả độc lập về giáo dục. Những bài viết về giáo dục của anh luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh.
Mới đây, chia sẻ quan điểm về giờ học của học sinh Việt Nam hiện nay, anh Khánh Nguyên cho rằng, trường học Việt Nam hiện nay cũng theo xu hướng chung của thế giới là chuyển lên học 2 buổi mỗi ngày. Điều này khác so với thế hệ cha mẹ (những người có thể sinh từ những năm 1980 trở về trước), thường chỉ học 1 buổi mỗi ngày.
"Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là trường học của nhiều nước tuy học 2 buổi sáng – chiều hàng ngày, nhưng học sinh bắt đầu ngày học của mình sau 8 giờ và kết thúc trước 4 giờ. Rất nhiều trường thậm chí bắt đầu lúc 9 giờ sáng và rất nhiều trường kết thúc lúc 3 giờ chiều. Tổng thời gian học ở trường của họ khoảng 6-8 giờ, bao gồm cả giờ nghỉ trưa và câu lạc bộ cuối ngày.
Thật bất công khi người lớn chúng ta muốn duy trì ngày làm việc 8 giờ chuẩn, nhưng lại kéo dài ngày học tập của học sinh phổ thông vì đủ các lý do. Những lý do của việc một ngày học của học sinh dài vô tận chủ yếu đều xuất phát từ người lớn, chứ không phải lựa chọn của học sinh " , anh Nguyên nói.
Theo anh, cha mẹ hãy cho con dừng việc học trước 10 giờ tối. Không có lý do gì cần phải học tới 10 giờ tối cả.
"Nếu con bạn phải học tới 10 giờ tối mỗi ngày mà chưa thể đi ngủ, thì có thể chương trình học được thiết kế có những sai lỗi cần phải sửa. Là cha mẹ, bạn cần ưu tiên sức khỏe của con cao nhất, cao hơn việc học, và cần có đủ dũng cảm cho phép con dừng lại, đi ngủ và tìm cách khắc phục những bất cập kèm theo, hơn là gắng sức đóng vai “trò ngoan” một cách vô lý" , chuyên gia nói.
Và trong trường hợp con phải học tới 10 giờ tối chưa xong thì phụ huynh có thể thực hiện theo những gợi ý sau đây để thay đổi tình trạng tiêu cực này.
1. Phản hồi với giáo viên: Thông thường giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm được các vấn đề của học sinh vì có cơ hội gặp gỡ các em hàng ngày, từ việc các em bị quá tải, thiếu ngủ, trễ thời hạn nộp bài… Một giáo viên chủ nhiệm sâu sát sẽ giữ liên lạc với các giáo viên bộ môn và có thể nắm bắt được khối lượng bài tập trung bình mà học sinh phải làm trong một tuần hoặc trong một ngày. Với những giáo viên kém hơn, họ sẽ không nắm được tổng thể khối lượng công việc, do vậy, mỗi giáo viên bộ môn sẽ giao cho học sinh một lượng bài tập nhất định ở nhà, và không hề biết rằng các thầy cô giáo khác cũng làm như vậy.
Bạn cần nói chuyện với các giáo viên, từ giáo viên chủ nhiệm, tới giáo viên bộ môn, thậm chí ban giám hiệu trường nếu như con bạn vẫn phải học tới 10 giờ mà không vì lý do gì đặc biệt. Nếu bé còn học tiểu học, bạn nên là người trực tiếp trao đổi, còn nếu con bạn đã là học sinh trung học, bạn hướng dẫn con cách phản hồi với các thầy cô trước khi cha mẹ phải trực tiếp can thiệp.
Nhận thức được vấn đề, nêu lên vấn đề với những người có liên quan và tìm cách giải quyết chính là một loại năng lực quý giá trong cuộc sống, mà chúng ta có cơ hội dạy cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta không hề mong muốn tạo ra những học sinh chỉ biết thụ động chấp nhận sự bất hợp lý trong sự im lặng và chịu đựng.
2. Dạy con các kỹ năng học tập hiệu quả: Thông thường thì bài tập về nhà là một hình thức rèn luyện thêm cho học sinh, khi nó ở mức độ vừa phải, đó là điều tích cực. Càng lên các lớp cao hơn, thời gian học tại nhà của học sinh có thể cần tới 2-3 giờ mỗi ngày.
Do đó, các kỹ năng như quản lý thời gian, sắp xếp một ngày học tập và hoạt động, phương pháp làm việc khoa học, rèn luyện khả năng tập trung khi làm việc là những kỹ năng giúp trẻ trong một thời gian ngắn hơn xử lý được khối lượng bài vở, công việc lớn hơn. Cũng có khi trẻ thức học rất khuya mà thực ra là do làm việc không hiệu quả chứ không hẳn là khối lượng hay chất lượng học tập cao.
3. Chấp nhận có ưu tiên, có chính - phụ: Chúng ta đều biết là giáo dục toàn diện là lý tưởng, nhưng trong nhiều tình huống trường học có tính chất nhồi nhét, mà có những nội dung học tập không hữu ích, hãy dũng cảm cho con lựa chọn những gì hữu ích cho bé, hoặc bé thấy thích hơn và dành ưu tiên cho những điều quan trọng. Đừng cố gắng làm học sinh giỏi toàn diện nếu chương trình học bao gồm cả những thứ phi lý, thừa thãi, vô ích. Trong trường hợp đó, hãy chấp nhận có những môn học bé đạt kết quả 9, 10, nhưng cũng có môn học chỉ đạt điểm 5, hoặc thỉnh thoảng thấp hơn nữa.
4. Hãy từ chối với “học thêm cưỡng ép”: Có khá nhiều tình huống học sinh phải học thêm theo những đề nghị có tính cưỡng ép. Bạn hãy thẳng thắn từ chối, vì sức lực của con người không phải vô tận. Năng lượng của trẻ trong một ngày là hữu hạn, trẻ cần được học tập, hoạt động, nghỉ ngơi đúng khoa học để phát triển bình thường, lành mạnh và tái tạo năng lượng. Việc thường xuyên thức khuya để học bài chỉ làm cho trẻ kiệt quệ sức lực vào ngày hôm sau và hôm sau nữa.
Các thống kê cho thấy số giờ học trung bình trong một năm học của học sinh ở nước có số giờ học cao tới 1.200 - 1.400 giờ/năm không hề tốt hơn học sinh chỉ học 600 - 800 giờ/năm. Điều đó có nghĩa là, số giờ học tăng lên mang lại kết quả học cao hơn ở một mức độ nào đó, ví dụ tới 1.000 giờ/năm, nhưng khi vượt qua ngưỡng đó thì kết quả ngược lại. Do vậy, thời gian học vừa đủ sẽ là tối ưu với trẻ, và mỗi trẻ sẽ có mức độ đáp ứng khác nhau, thay đổi theo từng lứa tuổi. Cái giá của việc học vượt “ngưỡng” chính là sự mất mát sức khỏe, sự phát triển thể chất, mức độ tập trung, sự lanh lợi, niềm vui học tập…
5. Cân bằng một ngày học bằng những hoạt động khác: Ngoài việc học, thì trẻ còn cần nhiều hoạt động khác để một ngày được cân bằng. Đó sẽ là thời gian cho vận động thể chất, thời gian cho giải trí, thời gian cho chăm sóc cơ thể - vệ sinh cá nhân, thời gian thưởng thức bữa ăn, thời gian ngủ, thời gian tương tác với gia đình…
Dấu hiệu của một trẻ học nhiều, mất cân bằng có thể là dáng người xộc xệch, thiếu sinh khí, giao tiếp hời hợt, ăn những bữa ăn vội, thiếu ngủ, không năng động, cơ thể ít năng lượng, thụ động, yếu ớt… Chỉ cần có một trong các dấu hiệu như vậy, bạn cần can thiệp để điều chỉnh một ngày cho trẻ được lành mạnh, cân bằng. Không thể cắt xén thời gian của hoạt động này để dành cho hoạt động khác, vì khi người lớn tùy tiện “cắt” ở khúc nào, sẽ tạo ra “lỗi” ngay ở chỗ đó trên chính đứa trẻ.
6. Giúp trẻ xây dựng thói quen tốt: Bỏ được một thói quen xấu tương đương với xây dựng được 3 thói quen tốt. Những thói quen tốt mà trẻ cần có để sống một ngày trọn vẹn hơn đó là: Sống và học tập có thời khóa biểu trong thời gian năm học, xác định được việc quan trọng - ít quan trọng, gấp - không gấp, giờ nào việc nấy, mỗi lúc chỉ tập trung làm một việc, chia nhỏ công việc trong tuần thành công việc cho mỗi ngày, làm việc có mục tiêu…
Những thói quen xấu có thể là trì hoãn công việc phải làm đến phút chót, làm việc không có kế hoạch, không áp dụng phương pháp làm việc hiệu quả, làm quá nhiều việc một lúc, làm việc không tập trung, phân tâm vì mạng xã hội hoặc TV,...
7. Cho trẻ được quyền lựa chọn: Vì sao trẻ có động lực hơn một trẻ khác khi cùng làm một công việc? Là vì trẻ có động lực khác nhau, có mối quan tâm khác nhau, và sự say mê khác nhau. Khi trẻ được lựa chọn điều chúng thích, chúng thường có động lực tự thân cao hơn, tự giác hơn, có kỷ luật hơn, và kết quả do vậy tốt hơn.
Giáo dục càng cưỡng ép càng có kết quả thấp, ngược lại càng cho phép người học lựa chọn, càng tạo ra sự đam mê và tập trung. Thời gian của tất cả chúng ta là hữu hạn, bằng việc lựa chọn những gì mình quan tâm, chúng ta tối ưu hóa việc học cho trẻ em: học trong sự tập trung và đam mê là hình thức học có chất lượng và hiệu quả cao nhất.