Kỳ vọng con phải giỏi như mình

Bé N.H.A mới 6 tuổi con chị L.H (Đống Đa- Hà Nội) từ nhỏ đã chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Vì lo con không học được bằng bạn, ngay khi con gần 3 tuổi, chị L.H đã cho con đi học chữ, học đàn, học tiếng Anh với cô giáo nước ngoài.

Tối nào chị L.H cũng bắt con đánh vần, đọc, viết. Nếu con viết sai bố mẹ lại tức giận quát tháo khiến con bé sợ run người. Một thời gian sau đó, cháu bé bỗng trở nên xanh xao, khó ngủ, có khi còn gặp ác mộng khóc thét cả đêm.

Bố mẹ bận việc, trẻ lấy tivi làm bạn.

Sau đó chị L.H được cô giáo cho biết ở lớp cháu không thích chơi đùa với bạn, chỉ nép mình ở góc lớp, mặt buồn rầu. Thấy tình hình không ổn nên chị L.H cho con đến bệnh viện Tâm thần để khám, bác sĩ kết luận cháu bị rối nhiễu tâm trí do căng thẳng mà nguyên nhân mắc bệnh chính là từ bố mẹ quá kỳ vọng vào con mình.

TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý cho biết, trẻ em hiện nay có thể vật chất đầy đủ nhưng chúng lại phải chịu rất nhiều áp lực từ bố mẹ. Có những ông bố bà mẹ là Tiến sỹ nên bắt con cũng phải giỏi. Họ không thể chấp nhận mức độ trí tuệ trung bình của con mình.

“Vừa rồi có ông bố mang đứa con 4 tuổi đến chữa bệnh rối nhiễu tâm trí do nhồi nhét quá nhiều kiến thức so với lứa tuổi. Từ một đứa chậm nói, đến lúc nói được là một sự may mắn. Nhưng ông bố lại muốn con phấn đầu trở thành những đứa trẻ tốp đầu, nghĩa là phải thông minh… giống bố. Tuy nhiên khả năng thằng bé có hạn nên nó bị quá tải, trở thành hoảng loạn, cấu, cắn người đối diện”- TS. Kim Quý cho biết.

Theo TS. Kim Quý, nhiều bố mẹ con mới vài ba tuổi đã bắt học tất cả các chương trình của đứa 6-7 tuổi, khiến nó quá tải. Khi dạy con chúng ta phải đánh giá từng tháng tuổi thì học những gì, ngoài ra cũng phải căn cứ vào thể trạng, tâm trí của từng đứa trẻ nữa. Nếu bố mẹ ép con học quá thì chúng sẽ bị rối nhiễu tâm trí rất khó chữa.

Bố mẹ bỏ mặc con cho ô sin

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Quý, trong quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ em, bà nhận ra một điều, trẻ em bây giờ rất khổ. Bố mẹ mải mê công việc kiếm ăn, khẳng định chỗ đứng trong xã hội nên phó mặc con mình cho ô sin chăm sóc khiến chúng bị chậm nói, mối gắn kết tình cảm với cha mẹ lỏng lẻo, bám ô sin hơn bám bố mẹ.

“Thậm chí đưa con đi chữa bệnh cũng là ô sin đưa đi đến chứ không phải là bố mẹ. Tất cả những việc như ăn ngủ đều do ôsin đảm nhiệm. Như vậy tình cảm của đứa trẻ sẽ không được gắn bó nhiều với người mẹ. Có người ô sin còn muốn chiếm đoạt tình cảm đứa trẻ, nói xấu mẹ với con, có người mẹ thiếu nhạy cảm mà mất con”- TS. Kim Quý cho biết.

Theo TS. Kim Quý, hiện nay chẳng phải mỗi trẻ con nghiện game, điện thoại mà bố mẹ cũng nghiện lên mạng xã hội mà quên mất việc chăm con, chia sẻ với con. Đi làm về mỗi người ôm 1 máy tính, sẽ nguy hiểm, người lớn không ý thức được điều đó nhưng bọn trẻ thực sự cô đơn trong ngôi nhà của mình.

Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ nhưng trẻ bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cao. Do bố mẹ ít trò chuyện, chỉ vứt điện thoại cho con chơi hoặc mở tivi cho chúng xem. Như vậy, nguy cơ trẻ chậm nói rất nhiều vì không có môi trường tương tác.