Xã hội ngày càng phát triển nhưng vẫn còn nhiều trường hợp các bé chậm phát triển chưa được phát hiện và can thiệp thiệp sớm. Chúng ta lại được nghe những câu nói phổ biến như “Bé lớn muộn” hoặc “Rồi đến một lúc nào đó bé sẽ làm được cả thôi”. Đặc biệt có một số ông, bà vẫn lôi chuyện ngày xưa “Thằng A, thằng B cũng chậm nói, 5 tuổi mới biết nói mà bây giờ vẫn nói liên mồm đấy thôi. Bố mẹ cũng không muốn đưa con đi khám tâm lý. Khi nhận được kết quả kiểm tra rằng bé chậm phát triển thì đến lúc đó mới cuống cuồng tìm cách điều trị cho con. Chắc chắn ai cũng sợ hãi khi nghĩ tới một viễn cảnh u ám. Vì vậy, đa phần đều lảng tránh sự thật, lạc quan mơ hồ rằng “Chắc con không sao đâu” và né tránh việc đưa con đi kiểm tra bổ sung.
Nhưng vấn đề là bố mẹ có muốn cũng không thể lảng tránh được. Phần lớn những đứa trẻ chậm nói hoặc giao tiếp kém nếu không được can thiệp sớm trước 3 tuổi sẽ tiếp tục để lại ảnh hưởng lâu dài. Trong quá trình não bộ ở trẻ nhỏ phát triển, có tồn tại cái gọi là “thời điểm quyết định”, khi thời điểm này trôi qua, cơ hội để trợ giúp bé cũng giảm đi. Nói một cách đơn giản, khi bé đã quá 5 tuổi, hầu như không còn cơ hội để giúp các bé chậm phát triển cải thiện được nữa. Kết quả nghiên cứu liên tục trong thời gian dài về khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ cho thấy trong các bé dưới 3 tuổi chậm phát triển về mặt ngôn ngữ thì có tới 80% không đạt tiêu chuẩn ngôn ngữ thông thường khi đủ 18 tuổi.
Trẻ có tiền sử chậm phát triển ngôn ngữ thường gặp các trở ngại từng phần như khó khăn khi phải đọc một bài viết phức tạp, khó có thể biểu hiện tình cảm hoặc miêu tả chi tiết tình huống. Trong đời sống xã hội nông nghiệp trước đây, vấn đề này không gây trở ngại lớn nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, khiếm khuyết về ngôn ngữ có thể gây ra chướng ngại nghiêm trọng khi tìm việc, làm việc.
Chậm phát triển khi còn nhỏ sẽ để lại khuyết tật vĩnh viễn, đây không chỉ là vấn đề đối với một cá nhân mà còn là gánh nặng lớn với xã hội. Xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm chăm lo và chấp nhận khả năng lao động kém của họ.
Như vậy trẻ ở mức độ nào thì coi là chậm phát triển và phải nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia? Đầu tiên là trẻ dưới 2 tuổi nếu có các biểu hiện như: không nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không để tâm và tập trung vào lời nói của người khác, không có biểu hiện phản ứng khi được người khác vuốt ve, yêu cầu thứ mình muốn nhưng lại không thể giao tiếp tích cực, phát âm quá ngọng hoặc chỉ có thể nói những từ đơn lẻ như “mẹ”, “bố”, lời nói, hành động ngôn ngữ cơ thể hoặc hoạt động giao tiếp không thể thực hiện được, thì ngay lập tức bố mẹ cần đưa con tới khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp này, có thể nghi ngờ trẻ đang mắc chứng tự kỷ và tùy vào thời điểm phát hiện khi nào, hỗ trợ ra sao, sẽ có sự khác biệt lớn ở tương lai của trẻ.
Nếu bé không gặp vấn đề về hành động tương tác giao tiếp, chỉ là chậm nói thì người thân chỉ cần can thiệp tích cực ở nhà để tăng cường khả năng ngôn ngữ cho bé. Khi bé được ông bà, người giúp việc trông và ít giao tiếp thì bố mẹ cần phải trực tiếp hỗ trợ. Bắt chuyện với bé nhiều hơn, khi bé đang chơi thì ngồi bên cạnh và mô tả hành động của bé như đang tường thuật một trận đấu thể thao sẽ rất có hiệu quả. Ví dụ, “Ồ, thì ra con đang chơi xe ô tô đỏ. Con đẩy lùi xe thế sao? À, chỉ cần thả tay ra là xe sẽ lao về phía trước. Ôi, xe đâm rầm vào tường rồi. Lần này là xe màu xanh lam? Ơ, xe này nhỏ hơn xe lần trước kìa. À, con không chơi xe màu xanh lam mà chuyển sang xe màu xanh lá cây à? Xe này không có nắp rồi”.
Để con phát triển ngôn ngữ, cần tạo ra nhiều cơ hội giao tiếp qua lại với trẻ và chủ động can thiệp. Bố mẹ hãy nhìn vào mắt trẻ, khi bé nhìn ai đó, hay đồ vật nào đó từ 2 lần trở lên nghĩa là bé đang muốn nói gì đó. Ví dụ, khi bé liên tục nhìn vào than củi, bạn hãy nói “Than củi đấy con. Than củi khử sạch mùi trong nhà”. Hoặc khi bé “ư ư” như muốn nói gì đó, bạn hãy nói “À, con bảo mẹ…?”, bố mẹ hãy đọc ý nghĩ của con và giúp con thể hiện chính xác điều con muốn nói. Khi để ý kỹ những âm thanh của bé, ban đầu tưởng như đó chỉ là những âm thanh vô nghĩa nhưng thực ra lại có ý nghĩa riêng biệt nào đó. Khi bạn càng nhanh chóng nắm bắt âm thanh của trẻ và phản ứng lại thì bé càng nhận biết lời nói là “phương tiện giao tiếp” và tích cực nói hơn.
Tuy nhiên bạn không nên liên tục nhắc bé nói hoặc hỏi bé. Càng như vậy bé sẽ càng thu mình lại và lảng tránh nói chuyện. Chỉ cần mọi người xung quanh tích cực nói chuyện với bé, nói thật chậm, dễ hiểu, rõ ràng để bé nghe hiểu được. Và nếu có thể thì nên để bé được nghe nhiều giọng nói khác nhau. Tuy cùng một câu nói nhưng mỗi người lại có ngữ điệu, âm điệu khác nhau, càng được tiếp xúc với nhiều ngữ điệu, âm điệu khác nhau bé sẽ càng học nói nhanh. Đặc biệt bé có khuynh hướng học từ các bé khác nhanh hơn là học từ người lớn do đó đối với các bé chậm nói, nên gửi bé đến lớp mẫu giáo càng sớm càng tốt.
Sau khi đã cố gắng để thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của trẻ tại nhà mà trẻ vẫn chậm hơn các bé cùng tuổi từ một năm trở nên thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa. Tuy không hẳn là phải điều trị ngay nhưng bé cần được kiểm tra tỉ mỉ. Tiêu chuẩn căn cứ để đưa bé đến gặp chuyên gia đó là
(1) bé 30 tháng tuổi nhưng số lượng từ sử dụng không quá 10 từ
(2) bé 36 tháng tuổi nhưng chưa thể nói thành câu dài. Khi được 2 tuổi, các bé bình thường đã có thể sử dụng hơn 200 từ và tạo nên các câu đơn giản. Cho dù bé chậm nói nhưng không phải là cách biệt hơn một năm so với bé khác và vẫn đang từ từ nói được nhiều hơn thì vẫn có thể để bé ở nhà và gia đình tiếp tục hỗ trợ.
Đặc biệt, bố mẹ cần nhờ cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non quan tâm đặc biệt tới con mình. Để ý nhiều tới bé, cô giáo sẽ có cơ hội quan sát để so sánh mức độ phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Khi nhận ra vấn đề ở trẻ, cô giáo cần tích cực thông báo cho phụ huynh và cung cấp thông tin hữu ích. Thông thường bố mẹ không muốn nghe những điều không tốt về trẻ. Vì vậy cô giáo cần chia sẻ một cách tế nhị như nói rằng các bác sĩ, chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh đưa bé đến kiểm tra thử một lần thì sẽ hợp lý hơn. Mặc dù cô giáo sẽ cảm thấy ngại nhưng vì đây là vấn đề quan trọng, có tính quyết định cho tương lai của trẻ nên cô nhất định phải nói. Đây là thái độ nghề nghiệp cần thiết của những người có chuyên môn và cũng thể hiện sự quan tâm lo lắng của cô tới tương lai của bé.