Là cha mẹ, chúng ta thường chú ý đến việc trau dồi kỹ năng học tập của trẻ mà không nhiều người biết rằng khả năng đối diện với sự thất vọng là nền tảng quan trọng nhất trong cuộc sống con cái mình. Nghe qua tuy hơi "tàn nhẫn" nhưng đây chính xác là một điều rất tốt mà cha mẹ có thể làm để con trưởng thành hơn.
Tiến sĩ Karen Able, một nhà tâm lý học cho rằng, trao cho con quyền đối mặt với khó khăn là cha mẹ đang giúp con học được cách giải quyết vấn đề. Ngược lại, nếu quá bao bọc, trẻ sẽ không học được cách tự tin với khả năng của chính mình và điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn của trẻ. Bên cạnh đó, nếu trẻ chỉ bước đi trên một con đường trải hoa hồng thì chúng sẽ có thể sợ hãi hoặc không dám đối mặt với khó khăn.
Trải nghiệm thất bại giúp con bạn học cách đối phó, một kỹ năng chắc chắn cần thiết trong cuộc sống. Bị thách thức cũng thúc đẩy nhu cầu làm việc chăm chỉ và nỗ lực bền bỉ. Theo thời gian, những đứa trẻ đã trải qua thất bại sẽ xây dựng khả năng phục hồi và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động khó khăn.
Cách xử lý 10 điểm của người mẹ
Có tình huống được một người mẹ ở Trung Quốc chia sẻ nhận về nhiều sự đồng tình: Một ngày nọ, khi hai con của chị chơi bên ngoài, lúc cô chị gái không chú ý, cậu em chạy ra xa rồi bị ngã dập đầu. Bé gái nhìn em chảy máu, sợ hãi òa khóc, vội giải thích với mẹ mình không phải là người gây chuyện.
Người mẹ đang hoảng hốt, vẫn cố bình tĩnh an ủi con: "Không phải do con, mẹ không trách con. Con ở nhà, mẹ đưa em đến bệnh viện nhé". Sau khi trở về nhà, con gái vẫn còn khóc vì sợ, chị liền ôm con vào lòng, thủ thỉ: "Hẳn con rất sợ hãi đúng không? Em trai bị đau, mẹ cũng rất lo lắng. Sợ hãi thuộc về cảm xúc bình thường, chúng ta phải chấp nhận, thừa nhận nó. Nhưng mẹ thực sự khen ngợi con vì con rất dũng cảm.
Dũng cảm là dù rất sợ hãi nhưng vẫn vượt qua, mạnh mẽ để đối mặt. Cũng giống như con, rất lo lắng, rất muốn được mẹ ôm ấp ản ủi, nhưng biết em trai cần đi đến bệnh viện, con không khóc lóc tìm mẹ. Thay vào đó, để mẹ nhanh chóng đưa em đi băng bó, đó là sự dũng cảm của con. Vì vậy, gặp phải vấn đề không phải là khủng khiếp, khủng khiếp là tâm lý chúng ta sử dụng để đối mặt để thoát khỏi vấn đề".
Bà mẹ cũng nói thêm, lần này em trai bị té, mặc dù không phải là những gì chúng ta muốn nhìn thấy nhưng vẫn phải chấp nhận, bởi vì, không chấp nhận nó vẫn xảy ra. Dù vậy, sau này cả mẹ và con cũng phải cẩn thận, cố gắng đừng để em trai gặp phải tình trạng tương tự nữa.
Không đổ lỗi, không phàn nàn, chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở và khuyên nhủ con, giúp con hiểu làm thế nào để đối mặt khi gặp phải vấn đề... cách hành xử của bà mẹ nhận về cơn mưa lời khen từ cộng đồng mạng.
Giáo dục trẻ đúng cách là hướng dẫn một cách chính xác trong trường hợp có vấn đề đột ngột. Cha mẹ là tấm gương của trẻ, vì vậy cách đứa trẻ xử lý vấn đề trong tương lai phản ánh hành động và cách giáo dục của cha mẹ.
Cuộc sống của một đứa trẻ tưởng êm đềm nhưng thực ra ở khắp mọi nơi là những thất bại và khó khăn. Ví dụ, khi một đứa trẻ học cách bước đi, ngã xuống và đứng lên đối với trẻ là một thất bại. Khi trẻ học hành, gặp phải các vấn đề không thể giải quyết, hoặc bị tẩy chay cũng là một thất bại. Quan trọng là trước những khó khăn thất vọng đó của trẻ, chúng ta luôn đồng hành và hướng dẫn con cách đối mặt và xử lý vấn đề.
Làm thế nào để nuôi dưỡng khả năng làm quen với sự thất vọng của trẻ?
Học cách từ chối trẻ một cách thích hợp
Luôn đáp ứng mọi nhu cầu không phải là yêu con mà cha mẹ đang nhân danh tình yêu để cản trở sự phát triển của trẻ. Thỉnh thoảng nói "không" là cách giúp con làm quen và vượt qua cảm giác thất vọng, tránh sinh tâm lý "đòi gì được nấy".
Tuy nhiên, cũng như người lớn, trẻ rất quan tâm đến lý do. Vì vậy, thay vì nói "Không, đừng động vào nó", bạn hãy giải thích: "Đó không phải đồ chơi nên chúng ta sẽ để nó nằm yên trên kệ. Nó rất dễ vỡ nếu chúng ta chạm vào hoặc lấy ra chơi". Khi trẻ đòi hỏi mua một thứ gì đó hay làm một việc gì đó, bố mẹ hãy với trẻ: "Bố/mẹ biết con muốn thứ đồ chơi này (hoặc làm việc này) nhưng hãy suy nghĩ kỹ vì sao con muốn nó, nó có thực sự tốt không? Sau đó chúng ta sẽ cùng cân nhắc xem nhé".
Buông tay con ra
Cha mẹ hãy lùi lại phía sau để con tự lựa chọn và chịu trách nhiệm cho những việc chúng có thể đảm nhiệm. Mỗi thử thách nhỏ con tự mình tìm cách vượt qua sẽ là một cơ hội để con phát triển kỹ năng, học cách tin tưởng vào phán đoán của mình, chịu trách nhiệm với các lựa chọn và đối mặt với các tình huống khó khăn. Hãy để trẻ rủi ro và sai lầm, đó là cách duy nhất để học và trưởng thành.
Tuy nhiên, sau khi đã nỗ lực mà con bạn vẫn làm việc gì đó không hiệu quả thì cha mẹ cần dạy chúng biết rằng từ bỏ hay chấp nhận thất bại là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Học cách thất bại thật nhanh, tìm hiểu nguyên nhân, nhanh chóng thừa nhận thất bại, điều đó thể hiện sự khôn ngoan.
Hướng dẫn trẻ một cách chính xác để đối mặt với những thất bại
Khi một đứa trẻ gặp thất bại, đừng nói với con rằng chẳng có gì quan trọng, thay vào đó, hãy chấp nhận nỗi thất vọng của trẻ.
Ôm con và cho con biết rằng cha mẹ biết con đang hụt hẫng, lo lắng. Ngoài ra, cha mẹ cố gắng không phản ứng thái quá, đồng thời khen ngợi con đã làm rất tốt bằng một số câu nhẹ nhàng như: "Tốt rồi con yêu. Không có điều gì tồi tệ xảy ra cả. Bố mẹ đều biết con đã cố gắng hết sức". Khi đứa trẻ ổn định tâm trạng, hướng dẫn con đúng cách. Cho con biết, thất bại không đáng sợ, quan trọng là chúng ta dùng tâm thế nào để đối mặt với nó.